(PetroTimes) - Với “cỗ máy” tự chế, người dân thôn Mai Châu (Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội) chỉ mất vài phút để “bay” qua khúc sông rộng hàng chục mét.
Cọc bê tông chôn ở hai bên bờ sông làm nhiệm vụ giữ chặt dây cáp “Cỗ máy” làm từ sắt vụn Từ nhiều năm nay, hễ có công việc ở bên kia sông hay có người muốn đi làm, ông Trần Văn Dưa (64 tuổi) lại nổ máy đưa người qua nhánh của sông Hồng rộng hàng chục mét. Công việc này chỉ mất vài phút chứ không như trước đây phải bơi thuyền mới qua được sông. Được biết, “cỗ máy” này do ông cùng một số gia đình trong thôn tự góp vốn làm nên. Đáng chú ý, các vật liệu để tạo nên “cỗ máy” này lại là xe máy hỏng, cột bê tông, dây thép... Chia sẻ với chúng tôi, ông Dưa tự hào kể, chi phí lắp đặt “cỗ máy” này mất khoảng 20.000.000đ. Nhưng toàn bộ khâu thiết kế, góp vốn đến khi đi vào sử dụng do ông và các gia đình ông Đàm Văn Nam, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Thị Hoa cùng làm. “Trước đây nhiều gia đình trong thôn phải dùng thuyền đi làm, chở phân bón, nông sản qua sông. Nhưng nhiều lần gặp nhiều khó khăn vì mực nước trên sông dâng cao, dòng chảy xiết khiến họ lo lắng cho tính mạng và tài sản của mình nên chúng tôi bàn nhau làm “cỗ máy” này”. – ông Dưa nói. Chỉ tay vào “trái tim” của “cỗ máy”, ông Dưa cho biết đây là một chiếc xe máy cũ được mua của người buôn đồng nát với giá 1.000.000đ. Tuy nhiên chiếc xe phải còn đầy đủ các bộ phận như tay ga, cần số, bàn đạp và được lắp đặt thêm hệ thống phanh tay, số lùi. Ngoài ra một tổ hợp các bộ phận như cáp treo, máy điều khiển, giá đỡ, trụ chống… “Trái tim” của “cỗ máy” là một chiếc xe máy cũ Theo ông Dứa, “thức ăn” của “cỗ máy” này là xăng, việc vận hành máy cũng giống như khi điều khiển một chiếc xe máy. Ông Dứa kể: “Mình muốn cho nó đi nhanh thì nó đi nhanh, muốn đi chậm cũng được. Máy chạy bằng xăng khác chạy bằng điện ở chỗ nếu mình tắt máy, nó sẽ dừng từ từ chứ không như máy điện tắt là nó dừng đột ngột. Khi tăng tốc nó cũng lên chậm nên không gây cảm giác sợ hay giật mình”. Theo quan sát của phóng viên, vị trí đặt “cỗ máy” là ở một bãi đất rộng hai bên bờ sông. Mỗi bên sẽ chôn cọc bê tông xuống đất làm nơi buộc dây. Tại vị trí điều khiển, chiếc xe máy chạy bằng xăng có hệ thống số tiến, lùi. Các dây cáp được căng ngang dòng sông, một đầu nối với bánh đà của động cơ xe máy đồng thời treo giá đỡ ở các dây này. Khi nổ máy, động cơ hoạt động khiến bánh đà quay, sợi dây chuyển động theo chiều của cần số đã gài sẵn kéo theo giá đỡ sang bên kia sông hoặc quay đầu theo ý muốn. Được biết ở thôn Mai Châu có tất cả 3 “cỗ máy” được dựng ở ba khúc sông khác nhau. Hàng ngày có hàng chục lượt người dân đi làm phải qua sông bằng “cỗ máy” này. “Từ lúc có “cỗ máy” này nhiều người đã bỏ thói quen bơi thuyền. Thời gian di chuyển của họ cũng vì thế mà giảm đáng kể. Một lần đưa người hay vận chuyển nông sản chỉ mất vài phút, trọng lượng khoảng 1 tạ là bình thường”. – ông Dứa nói thêm. Cần đề phòng tai nạn Không thể phủ nhận “cỗ máy” tự chế từ những thứ tưởng như bỏ đi đang mang lại nhiều tiện tích cho người dân thôn Mai Châu. Nhưng theo bà Đàm Thị Tư (62 tuổi) đã từng có người qua sông bằng “cỗ máy” này gặp nạn. “Đó là trường hợp của một người phụ nữ tên là Tâm. Lần đó, chị Tâm sang sông đi làm cỏ, bất chợt “cỗ máy” ngưng hoạt động. Mọi người hoảng loạn khi thấy chị Tâm dần dần chìm xuống nước. Sau đó, người dân phải gọi thêm 5 người khỏe mạnh để kéo chị Tâm vào bờ”. – bà Tư nói. Đoạn bà Tư bày tỏ lo ngại: “Nếu là người biết bơi thì có rơi xuống cũng không sao, họ bơi vào bờ. Nhưng nếu là trẻ con hay phụ nữ, nhất là người khoảng 50, 60 tuổi đi làm cỏ mà ngã xuống thì không biết sẽ thế nào”. Hàng ngày có hàng chục lượt người dân qua sông bằng “cỗ máy” này Trao đổi với phóng viên PetroTimes, ông Vương Ngọc Chi – Phó chủ tịch xã Đại Mạch cho biết việc người dân dùng cáp treo để qua sông chính quyền xã Đại Mạch đã nắm bắt nhưng trước mắt việc này đang có lợi cho người dân và do người dân tự làm nên xã chưa có biện pháp quản lý. “Từ lúc có kiểu qua sông bằng cáp, chúng tôi chưa thấy xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, UBND xã đã quán triệt lực lượng Công an thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra các vị trí này. Phải tuyệt đối an toàn để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân” – ông Chi nói. Ông Chi cũng cho biết thêm: “Sắp tới chính quyền xã sẽ kiểm tra các dây cáp đang sử dụng. Nếu dây cũ sẽ yêu cầu thay dây mới. Động cơ cũ cũng phải thay động cơ mới để phòng trường hợp bị chết máy giữa đường. Hơn nữa phải thiết kế lại vị trí để người dân ngồi khi di chuyển, ít nhất cũng phải có thành cao để tránh trường hợp bị rơi xuống sông”. Xuân Hinh |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét