Searching...
Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

[Xã hội] -Mạnh dạn “cởi trói” quan hệ dân sự trong xã hội Việt Nam

Vừa trở về Thủ đô trong ánh hào quang chiến thắng ở Vương quốc Ý (1800), Na-pô-lê-ông, Hoàng đế Pháp (1799-1815), ra lệnh triệu tập 50 luật sư giỏi nhất của Paris để cùng ông xây dựng Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp. Bộ luật được ban hành năm 1804, còn được gọi là Bộ luật Na-pô-lê-ông, nhằm ghi nhận công lao của người soạn thảo bộ luật đỡ đầu cho chế độ tư bản hiện đại ra đời, thay thế cho chế độ phong kiến già cỗi, mục ruỗng.



Giải quyết những bất cập trong luật Dân sự để các thủ tục hành chính thông thoáng hơn

Về sau có người hiếu kỳ hỏi rằng tại sao Hoàng đế lại quyết định ban hành Bộ luật Dân sự (BLDS) trước tiên thay cho việc ban bố Sắc lệnh hình sự trừng trị tầng lớp quý tộc, vua quan – những kẻ thù không đội trời chung với Ngài? Trong hồi ký, khi bị nước Anh cầm tù tại đảo Thánh bà Saint Helène, Na-pô-lê-ông viết rằng trong hơn 20 năm trời chinh chiến khắp trời Âu, ông chỉ có ba tín điều: 1) Nông nghiệp là linh hồn, là cơ sở hạ tầng số một của đế chế; 2) Công nghiệp là sự hồi sinh, là hạnh phúc của dân cư; và 3) Ngoại thương là sự bội thu, là sự giàu có, là phương tiện hữu hiệu cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp. (Xem mục từ: Napoléon, Đại bách khoa toàn thư La Rousse, t.14, trang 8375, tiếng Pháp). Toàn bộ sự nghiệp quân sự, hành chính, chính trị, ngoại giao, pháp trị của ông đều hướng về 3 tín điều nêu trên. Nhờ vậy trong 20 năm chiến tranh, Na-pô-lê-ông không khi nào lâm vào cảnh thiếu hụt tiền bạc, hàng hóa, vũ khí và nhân lực phục vụ chiến trường. Trái lại, nước Anh tuy thắng trận, nhưng mãi 40 năm sau mới trang trải xong các món nợ thời chiến.
Vậy đâu là nguyên nhân?
Trong ba quyền cơ bản của con người, quyền mưu sinh, nói rộng hơn là quyền mưu cầu hạnh phúc, xuất hiện sau quyền sống và quyền tự do của con người. Điều này không có nghĩa là quyền mưu sinh không quan trọng bằng hai quyền trước. Quyền mưu sinh chính là nền tảng để quyền tự do và quyền sống tồn tại và phát triển. Khi con người càng thành đạt trong quyền mưu sinh thì quyền tự do, quyền sống của họ càng được cải thiện. Các quốc gia hiện đại đều coi việc không ngừng hoàn thiện BLDS để cởi trói, phát triển quan hệ dân sự, mà trong tính hiện thực của nó là quyền mưu cầu hạnh phúc, là cách làm thiết thực nhất nhằm nâng cao nhân quyền và dân quyền.
Việt Nam dưới chế độ phong kiến không có luật dân sự riêng mà được tích hợp trong bộ Tổng luật. Tuy vậy các vị vua anh minh rất chú trọng khuyến khích các quan hệ dân sự trong dân như công nhận quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của thứ dân, mở rộng giao lưu buôn bán, khuyến khích làng nghề. Đất nước trở nên thịnh vượng là do vậy.
Dưới thời kỳ cai trị của thực dân Pháp, Việt Nam có ba bộ luật dân sự áp dụng cho ba kỳ: BLDS giản yếu Nam kỳ (1883); BLDS Bắc kỳ (1931) và BLDS Trung kỳ (1936). Sau khi giành được Độc lập, ngày 10-10-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh tạm thời giữ các luật lệ của chế độ cũ cho đến khi ban hành luật mới. Ngày 22-5-1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh sửa đổi một số quan hệ và chế định trong dân luật. Ngày 10-7-1959 Tòa án nhân dân tối cao ra Chỉ thị 772/TATC, đình chỉ áp dụng luật pháp cũ của đế quốc, phong kiến. Từ đó trở đi miền Bắc Việt Nam thiếu hẳn luật dân sự.
Từ khi có chủ trương đổi mới(1986), một số luật dân sự được ban hành: Luật Hôn nhân gia đình (1986); Luật Quốc tịch (1988); Pháp lệnh Chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam (1989); Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế (1989); Pháp lệnh Thừa kế (1990); Pháp lệnh về hợp đồng dân sự (1991); Pháp lệnh về nhà ở (1991). Việc ban hành các văn bản pháp luật nêu trên đã làm hồi sinh các quan hệ dân sự trong xã hội Việt Nam. Năm 1995, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của những năm đổi mới, Quốc hội ban hành BLDS 1995.
Phải trải qua nửa thế kỷ (1945-1995), Việt Nam mới có được BLDS đầu tiên.
Sau 10 năm, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm đã qua, năm 2005 Quốc hội ban hành BLDS mới - BLDS 2005. Sự xuất hiện các BLDS trong đời sống xã hội đã góp phần thúc đẩy Việt Nam từ một nước chậm phát triển thành nước đang phát triển. Sau 10 năm thực hiện BLDS 2005, các quan hệ dân sự trong xã hội Việt Nam đã được mở rộng hơn trước rất nhiều nhưng vẫn chưa được "cởi trói” hoàn toàn. Về mặt nhận thức, từ Hiến pháp năm 1992, Việt Nam đã chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường, có sự quản lý theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hay nói cách khác là có sự điều tiết của Nhà nước. Điều hiến định này là hoàn toàn đúng, nhưng tiếc thay, cho đến nay điều hiến định này chưa được luật hóa thành các chế định pháp luật cụ thể. Nội hàm của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn là một khái niệm chưa rõ hình hài. Phạm vi, hình thức điều tiết của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường có giới hạn hay không có giới hạn vẫn là điều chưa được làm rõ. Từ nhận thức chưa được rõ ràng dẫn đến những lúng túng trong quản lý. Tự do kinh doanh là quyền trước tiên trong các quyền mưu sinh. Nhưng cho đến nay các bộ vẫn chưa thể xác định được ngành nghề nào thì được tự do kinh doanh, ngành nghề nào thì cấm, ngành nghề nào thì phải có điều kiện. Từ đó nẩy sinh nhiều tiêu cực trong cấp phép đầu tư, trong thành lập các công ty. Một mặt để đảm bảo sự ổn định, tính chắc chắn, mặt khác nhằm gạt bỏ những lừa gạt, tráo trở trong giao dịch dân sự, pháp luật dân sự các nước coi hợp đồng dân sự được ký kết đúng luật có giá trị như luật và được bảo vệ bằng pháp luật. Nhưng trong pháp luật dân sự hiện hành của Việt Nam chế định này chưa được coi trọng. Bên có lỗi trong thực hiện pháp luật dân sự, đặc biệt khi bên có lỗi là tổ chức quốc doanh thường bị bỏ qua. Nạn nhân của buôn gian, bán lận, của hàng giả, hàng nhái không biết kêu cứu vào ai. Tình trạng chiếm dụng vốn của nhau, tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản xẩy ra nhiều chính là lổ hổng của luật dân sự.
Trong tổng kết kinh nghiệm 10 năm thực thi BLDS 2005, Bộ Tư pháp đã nêu bốn bất cập trong luật dân sự hiện hành của nước ta là: "1) Trong BLDS hiện hành, quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản của người khác chưa được quy định đúng với vai trò của chúng trong nền kinh tế thị trường và trong việc phát huy giá trị kinh tế của các loại tài sản trong xã hội; 2) BLDS chưa tạo ra được môi trường pháp lý đầy đủ và thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các quan hệ thị trường…Nhiều quy định còn tỏ ra cứng nhắc, có thể tạo ra nguy cơ cao cho việc tuyên bố giao dịch vô hiệu hoặc bị hủy bỏ; 3) BLDS chưa thể hiện được luật chung của hệ thống luật; và 4) BLDS chưa thể hiện được vai trò là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ những người yếu thế trong quan hệ pháp luật dân sự”. Qua các buổi tham gia góp ý vào Dự thảo BLDS mới của Bộ Tư pháp, dư luận cho rằng 4 bất cập được nêu trên là đúng nhưng chưa phải là những điểm tắc nghẽn mấu chốt, chưa minh họa một cách cụ thể các bất cập trong BLDS hiện hành.
Hiến pháp năm 2013 đã có sự mở rộng đáng kể quyền con người và quyền công dân. Bảo vệ và nâng cao quyền con người và quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 phải là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ nội dung của BLDS mới. Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện các BLDS 1995 và 2005, trong BLDS mới cần làm rõ hơn quyền tự do kinh doanh của công dân; quyền bình đẳng của các thành phần kinh tế và các cơ chế bảo đảm tính bắt buộc phải tuân thủ các hợp đồng được ký kết.
Trải qua gần 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có thể rút ra được nhiều bài học phản diện từ việc ngăn chặn, cấm đoán vô lý các quan hệ dân sự và chậm đổi mới luật dân sự. Không có gì giam hãm con người nặng nề hơn bằng chính con người tự giam hãm mình bằng pháp luật. Hãy mạnh dạn "cởi trói” cho các quan hệ dân sự trong xã hội Việt Nam. Đây sẽ là cách làm thiết thực để góp phần làm cho đất nước Việt Nam phát triển ổn định, bền vững hơn và nhanh chóng hơn.
Luật sư Lê Đức Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Back to top!