QĐND - Được coi là "thành phố đáng sống" nhưng hiện nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng có 132 khu đất trống, bao gồm các lô đất công cộng, thương mại dịch vụ đã giao cho các nhà đầu tư chưa được triển khai theo quy hoạch và các khu đất thành phố đang quản lý. Các khu đất này cỏ dại mọc um tùm, hoặc bị biến thành nơi đổ phế thải làm ô nhiễm môi trường và xấu mỹ quan đô thị.
Khó rà soát, quản lý đất trống Nằm ở phía Đông cầu sông Hàn, khu đất góc Tây Bắc nút giao thông đường Ngô Quyền-Phạm Văn Đồng (địa bàn quận Sơn Trà) rộng 14.124m2 do Công ty Phương Trang làm chủ đầu tư. Hiện nay, khu đất chưa được triển khai xây dựng công trình, để cỏ mọc hoang, người dân biến thành nơi đổ rác thải, phế liệu xây dựng, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và môi trường xung quanh. Anh Hoàng Ly, một du khách đến từ Hà Nội, cho biết: “Lần đầu tiên đến với Đà Nẵng, tôi rất ấn tượng với thành phố có bờ biển và nhiều cảnh quan đẹp, đặc biệt là những cây cầu bắc qua sông Hàn. Tuy nhiên, ngay cạnh cầu sông Hàn lại tồn tại khu đất hoang làm mất đi vẻ đẹp thơ mộng và cảnh quan của thành phố”. Cách cầu sông Hàn không xa, trên trục đường Phạm Văn Đồng-một trong những tuyến đường đẹp nhất của TP Đà Nẵng, một số khu đất trống hai bên đường chưa được đầu tư xây dựng, có khu đã làm hàng rào tạm nhưng để lâu ngày bị nghiêng ngả, trông rất phản cảm. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các khu đất trống trên địa bàn thành phố đều bị biến thành nơi đổ rác thải sinh hoạt và rác thải xây dựng. Qua rà soát của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố hiện có 132 khu đất trống (mỗi khu có diện tích hàng nghìn mét vuông trở lên) làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường. Cụ thể như quận Sơn Trà có 29 vị trí, trong đó có 17 vị trí điểm nhấn kiến trúc; quận Hải Châu có 26 vị trí, trong đó có 14 vị trí điểm nhấn kiến trúc; quận Ngũ Hành Sơn có 22 vị trí... Theo ông Trần Phước Hòa Bình, Phó trưởng Phòng Quản l?ý kiến trúc đô thị TP Đà Nẵng, các khu đất để trống lâu ngày là do chủ đầu tư thiếu vốn, chưa thể xây dựng theo quy hoạch. Việc rà soát, quản l?ý các khu đất trống gặp nhiều khó khăn do quá trình sang nhượng, chuyển đổi quyền sử dụng đất, chủ đầu tư không cư trú trên địa bàn. Chúng tôi được biết, mặc dù UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các quận, huyện thường xuyên ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường tại các khu đất trống, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng xả rác lại tái diễn.
Triển khai đồng bộ, kiên quyết Theo đề xuất của Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng, ngày 3-7-2014, UBND TP Đà Nẵng đã có Công văn số 163/TB-UBND thông báo kết luận của lãnh đạo UBND thành phố về quy định quản lý đối với một số lô đất trống trên địa bàn, cụ thể như sau: Về quản lý vệ sinh môi trường, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu chủ đầu tư các lô đất trống xây dựng rào chắn (bảo đảm an toàn, mỹ quan) theo mẫu đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 8765/QĐ-UBND ngày 13-12-2006. Trường hợp chủ đầu tư chây ỳ, không thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các quận, huyện lập phương án, dự toán kinh phí xây dựng rào chắn, trình UBND thành phố phê duyệt để làm cơ sở cưỡng chế thi công bằng nguồn ngân sách. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm dọn dẹp sạch sẽ các khu đất trống của thành phố, bàn giao cho UBND các quận, huyện quản lý, giữ vệ sinh môi trường. Cùng với đó, UBND thành phố giao các quận, huyện rà soát những công trình xây dựng không phép trên đất trống. Đối với các lô đất trống đã xây dựng phù hợp với quy hoạch, có cam kết về cảnh quan, vệ sinh môi trường thì báo cáo, đề xuất cho phép tồn tại. Đối với các công trình vi phạm thì xử lý tháo dỡ. Các trường hợp chủ đầu tư chây ỳ, không thực hiện, UBND các quận, huyện tổ chức cưỡng chế tháo dỡ và yêu cầu chủ đầu tư lắp dựng hàng rào bao quanh theo quy định.
Đối với các lô đất đã được rào chắn, UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND các xã, phường phối hợp với cơ quan, đoàn thể, tổ dân phố có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân không được đổ rác, phế thải. Đồng thời phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thành phố có biện pháp xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm. Đối với các điểm nhấn kiến trúc, thống nhất cho phép trồng cây xanh, láng nền chống cỏ mọc. Các điểm không thuộc vị trí nhạy cảm cho phép nghiên cứu thiết kế theo hướng làm cây xanh bên ngoài, bên trong làm bãi đỗ xe. Đối với các lô đất công cộng, thương mại dịch vụ khác, cho phép xây dựng tạm các loại công trình: Cửa hàng dịch vụ ăn uống, sân bóng đá mi-ni, khu vui chơi cho trẻ em… nhưng không gây ảnh hưởng đến giao thông tại khu vực. Được biết trước đây, vấn đề khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực do đất bỏ hoang đã được bàn và chỉ đạo giải quyết nhiều lần, song vẫn chưa thực sự hiệu quả. Lần này, UBND TP Đà Nẵng đã quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành. Hy vọng vấn đề nêu trên sẽ được giải quyết nhanh chóng, ?dứt điểm, không để tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị tại các khu đất trống. Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét