Searching...
Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

[KH-CN] -Nên có tiêu chí phân loại các nhóm nghiên cứu và đầu tư thỏa đáng cho các nhóm mạnh

Nen co tieu chi phan loai cac nhom nghien cuu va dau tu thoa dang cho cac nhom manh

Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của GS. Pierre Darriulat rằng chỉ nên tập trung đầu tư cho những nhóm nghiên cứu có thực lực trên mức tối thiểu. Đã đến lúc cần đưa ra tiêu chí về chất lượng các sản phẩm khoa học của cá nhân và nhóm các nhà nghiên cứu, qua đó xác định đâu là mức thực lực tối thiểu để một nhóm nghiên cứu có thể được nhận kinh phí tài trợ của Nhà nước.

Đồng thời, Nhà nước sẽ chỉ hỗ trợ cho những người thực sự làm khoa học, tránh kẽ hở ghép nhóm bằng cách chỉ ghi danh thêm các thành viên cốt để nâng kinh phí. Bên cạnh đó, hơn năm năm qua, Nhà nước (thông qua Nafosted) đã tài trợ rất đáng kể cho nghiên cứu cơ bản, tuy nhiên tiêu chí để nghiệm thu các đề tài chủ yếu chỉ dựa vào số bài ISI. Vì thế, sự đầu tư này còn mang tính “dàn trải”, với kết quả thực tế là số đề tài (nhân theo đó là số bài ISI) ngày càng tăng, nhưng chất lượng thì không tăng bao nhiêu. Vì vậy, Nafosted cũng nên có tiêu chí phân loại các nhóm nghiên cứu và đầu tư thỏa đáng cho các nhóm mạnh.

Việc cân bằng hài hòa giữa lý thuyết và thực nghiệm như GS. Pierre Darriulat đề xuất trong bài viết của ông, cần hiểu là, không chỉ cân đối tương xứng trong tài trợ cho các nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm, mà phải mau chóng tiến tới sao cho các nhà thực nghiệm và các nhà lý thuyết cùng sát cánh bên nhau hợp tác làm việc nghiêm túc và hiệu quả trong cùng một đề tài.

Đối với đầu tư mua sắm trang thiết bị, tôi cũng chia sẻ với các ý kiến của GS. Pierre là phải theo đề xuất hợp lý từ các cơ sở bên dưới, thay vì theo chỉ đạo từ bên trên, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng như lâu nay mua máy móc hiện đại về, rồi không có chuyên gia đủ tầm để khai thác, dẫn đến việc máy móc bị “đắp chiếu” đã xảy ra khá nhiều, tiêu tốn kinh phí rất lớn. Nên tăng cường tận dụng cơ hội sử dụng các trang thiết bị ở những trung tâm nghiên cứu quốc tế lớn. Ví dụ hằng năm ta phải đóng khá nhiều tiền để là thành viên của Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân ở Dubna (Nga) và được quyền sử dụng các thiết bị máy móc ở đó, nhưng đã không tận dụng được một cách hợp lý. Sẽ rất có lợi trong lĩnh vực hạt nhân nếu các nhà khoa học có kinh nghiệm đi cùng các nhà khoa học trẻ sang Dubna làm việc đều đặn và tiến hành các nghiên cứu có định hướng.

Vai trò nhà khoa học đối với chương trình điện hạt nhân của Việt Nam:

Đúng như GS. Pierre Darriulat đã nhận định, chương trình này cần có sự điều hành và chịu trách nhiệm của nhà khoa học thay vì những người chỉ thuần túy làm công tác quản lý hành chính mà không đủ kiến thức chuyên môn. Đồng thời phải có các chuyên gia Việt Nam am hiểu về nguyên lý, vận hành, khắc phục sự cố, cùng các vấn đề thiết yếu khác chịu trách nhiệm và có quyền hạn cao trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy, nếu không khi xảy ra sự cố thì thảm họa là khôn lường mà không quy được trách nhiệm cho ai.

Lâu nay, đã có những đợt cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài về điện hạt nhân (theo chương trình điện hạt nhân của Nhà nước), nhưng thành phần được tuyển lựa chưa thực sự chọn lọc (nhiều người đi một cách miễn cưỡng) và khi về kết quả thu hoạch rất hạn chế, khiến hiện nay ta vẫn chưa đủ nhân lực tối thiểu để xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Tình hình này cùng với thực tế là chúng ta chưa có những chuyên gia điều hành thực sự cho chương trình điện hạt nhân như đã đề cập trên đây, khiến cá nhân tôi (không phải là một chuyên gia về hạt nhân) chưa thể tin tưởng rằng chúng ta, trong một tương lai gần, có khả năng theo đuổi mục tiêu xây dựng, giám sát và vận hành sản xuất an toàn có hiệu quả các nhà máy điện hạt nhân.

Đọc thêm:
Vật lý hiện đại: Lựa chọn nào cho Việt Nam (Pierre Darriulat )
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&News=7778&CategoryID=36

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Back to top!