Một cảnh trong vở “Tiếng đàn vùng mê thảo” Vở kịch đầu tiên tôi đạo diễn là Đôi mắt (tác giả Vũ Dũng Minh - Nhà hát Kịch Việt Nam và Đoàn Kịch nói Nam Hà), nhưng vở kịch đầu tiên tôi dựng từ kịch bản của chính mình, là Hoa và cỏ dại. Đây có thể coi như nụ hôn đầu, thật ngọt ngào, tươi trẻ. Các diễn viên, thế hệ đầu tiên tham gia vở này: Trần Hạnh, Đức Lưu, Quốc Toàn, Yên Sơn, Kim Xuyến, thêm lứa sau: Trần Đức. Cuộc tình đến cao trào năm 1980, khi tôi viết Hà My của tôi và dựng cho Kịch Hà Nội. Thói quen làm việc của tôi lâu nay, là khi Đoàn nào đặt vấn đề dựng vở, tôi hỏi ngay: Đoàn có diễn viên đẹp chứ? Phải có diễn viên đẹp, tôi yêu một nàng khi dựng vở, cái yêu của tình nghệ sĩ này rất quan trọng để có cảm hứng làm việc. Là diễn viên, phải đẹp, đẹp mới là tiêu chuẩn. Thời nào, Kịch Hà Nội cũng có diễn viên đẹp, cả nam lẫn nữ. Vùng sáng hay là Hà My của tôi (thường được gọi bằng tên Hà My của tôi) vào dự Hội diễn TP Hồ Chí Minh, đoạt HCV cho vở và nữ diễn viên chính. Vở kịch chấn động Sài Gòn, đánh dấu thăng hoa, gây chú ý lớn của kịch miền Bắc nói chung và Kịch Hà Nội nói riêng, sự bùng nổ đầu tiên của kịch nói cả nước sau ngày thống nhất đất nước. Khán giả Sài Gòn nô nức, chen lấn mua vé, khủng khiếp, dân phe vé phát đạt. Lúc đó, báo chí Sài Gòn tổng kết 5 điều về Hà My của tôi: 1. Không cần “ngôi sao” vẫn hấp dẫn; 2. Không trang trí sân khấu cầu kỳ vẫn hấp dẫn; 3. Toàn bộ diễn viên, dù là nhân vật rất phụ, đi qua sân khấu, đều là nghệ sĩ trứ danh; 4. Vở diễn ăn khách chưa từng thấy; 5. Khán giả Sài Gòn bị chinh phục, nảy ra một thuật ngữ tín chuộng: “Kịch Hà Nội“. Ngày ấy, tôi 42 tuổi, được coi là đạo diễn trẻ măng. Đến giờ, sau 34 năm, Kịch Hà Nội vẫn xứng đáng để Doãn Hoàng Giang tâm huyết, vì thế hệ sau vẫn xứng đáng tiếp nối thế hệ trước, “gậy tiếp sức” vẫn truyền được cho người sau cầm. Hành trình chạy tiếp sức ấy, có tôi đồng hành. Sau Hà My của tôi, tôi dựng Bản tình ca màu xanh (tác giả Thanh Hương), hai vở của nhà văn Nguyễn Quang Lập: Đứa con bị đánh cắp, Tình sử ngàn năm, rồi Lời nguyền kẻ mơ ( tác giả Nguyễn Khắc Phục), đều được chú ý. Nội lực, tâm huyết của Kịch Hà Nội, nhất là ở thời kì NSND Hoàng Dũng làm Giám đốc, đã cho tôi động lực, ý tưởng để yêu một cách can đảm. Can đảm viết lại và dựng các vở kinh điển: Tháp đoạn hồn (A.Dumas cha), Đảo Thần vệ nữ (Pacnix, Hy Lạp). Những mặt người thấp thoáng (tác giả Xuân Đức) thu thành công tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc 2012 ở Huế. Năm 2013, Tiếng đàn vùng Mê Thảo (tác giả Tất Thắng, cảm tác từ tác phẩm Chùa Đàn của nhà văn Nguyễn Tuân, một người Hà Nội tinh tú) là vở lớn nhất so với các vở của các nhà hát dựng trong năm. Xuất thân từ lớp diễn viên khóa 1 của Nhà hát kịch Việt Nam, tôi lại gắn bó với các thế hệ diễn viên Kịch Hà Nội. Họ rất đáng yêu, đáng để yêu, thế hệ nào cũng có diễn viên hay và đẹp. Kịch Hà Nội đạt đẳng cấp cao, có chất riêng, là bởi: 1) Bộc lộ vẻ tài hoa, thanh lịch, đúng dung dáng kịch của người Hà Nội đặc trưng. 2) Diễn hay đến mức đã thành thương hiệu được ái mộ cuồng nhiệt, hễ có đoàn kịch Bắc vào Nam (kể cả Kịch Trung ương), khán giả đều gọi “Kịch Hà Nội”. Tôi sinh ra tại Phát Diệm, Ninh Bình, tuổi thiếu niên mới về sống Hà Nội ở Thủ đô hơn 60 năm, từ ngôi nhà 256 phố Huế tới khi về an cư ở quận Tây Hồ, tôi hằng thấm chất Hà Nội trong cốt cách, phẩm giá Hà Nội là sang quý, hào hoa. Hà My của tôi ngày ấy, như quả trứng đầu gió. Vì quá thành công, nên sinh ra có kẻ hờn ghen. Một cây bút ác ý đã viết bài Hà My của ai? cho rằng tác phẩm truyền bá lối sống buông thả. Tác giả nặc danh, kí tên “Người hộ khẩu TP Hồ Chí Minh”, sau chúng tôi biết đó là ai. Bao nhiêu lời khen chẳng đến tai, chỉ bài này làm một số vị lãnh đạo Sở, thành phố lo lắng. Đồng chí Võ Văn Kiệt (Bí thư Thành ủy TP. HCM) đã ra Hà Nội, nói với báo chí và lãnh đạo Hội Sân khấu Việt Nam: Người viết giấu tên đó không đại diện cho khán giả, nhân dân Sài Gòn, nếu không ai nhận, thì để Sài Gòn nhận Hà My là của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh! Hà My của tôi được lệnh diễn ở Hội trường Ba Đình phục vụ các cán bộ cao cấp. Thật vui là “các cụ” đều thích. Ngay sáng hôm sau, tôi phóng xe lên Sở Văn hóa Hà Nội, thấy trên bảng tin màu đen có dòng phấn trắng viết rất to “Hà My đã thoát!”. Nhẹ người và thấy thế mới đúng là lửa thử vàng. Hà My gây sốt ở các rạp. Rạp Đài Nam bán vé lúc 7h sáng thì 1 tiếng đã hết, ngày diễn 2-3 suất. Tôi yêu Minh Trang và thời nào cũng yêu một nữ diễn viên. Tôi hãnh diện đào tạo được đội ngũ diễn viên trẻ thành sao: Minh Trang, Trần Vân, Lâm Bằng, Quốc Chiêm. Với riêng Hoàng Dũng, tôi biết từ lúc ra trường, đến khi thành một nghệ sĩ tên tuổi lớn. Hoàng Dũng cùng tôi đồng cam cộng khổ đến lúc vinh quang. Sau hơn 30 năm, anh vẫn diễn trong vở của tôi, càng ngày càng diễn hay: Tháp đoạn hồn, Tình sử ngàn năm, Tiếng đàn vùng Mê Thảo. Tôi có một tập sách in 5 vở kịch do NXB Sân khấu ấn hành, trong đó vở tên Người mẹ trước vành móng ngựa được lấy làm tiêu đề sách. Vở này cũng là tác phẩm đã dựng cho Kịch Hà Nội. Người vẽ bìa là Đặng Xuân Hòa, vợ anh là Đỗ Thúy Hằng (họa sĩ thiết kế lâu năm của tạp chí Sân khấu). Sau hơn 20 năm đi xe máy Honda 82, tôi đã chuyển cho con trai (họa sĩ Doãn Hoàng Lâm), 4 năm nay di chuyển bằng taxi. Dù U80, tôi vẫn chưa khi nào có kế hoạch nghỉ dưỡng, sẽ không bao giờ có hình ảnh Doãn Hoàng Giang mặc pijama tưới cây, chăm cá - chim cảnh đâu! Lúc nào tôi cũng ham làm việc, sáng tạo, đeo cặp bên hông, lúc nào cũng “trên đường”. Tôi đã say sưa dựng vở thì quá trưa hay đến khuya là thường. Đạo diễn đang cảm hứng, “máu mê”, diễn viên đói cũng không đòi nghỉ, các trưởng đoàn - giám đốc cũng không nhắc, tôn trọng “cơn say nghề” của tôi. Tôi không muốn sẽ chết vì ốm đau kéo dài, chỉ muốn chết trên sân khấu khi đang dàn dựng. Nếu được thế, vở diễn cuối cùng vẫn thích làm cho Kịch Hà Nội - tình yêu của đời tôi. Như Minh Trang đã đặt tên cho con gái duy nhất của mình là Hà My - kỷ niệm mãi mãi của vai diễn để đời. Để kết, tôi mượn câu thơ Thế Lữ nói về mối tình sâu nặng này, vẫn như thuở đầu: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/Ngàn năm chưa dễ mấy ai quên“. VI THÙY LINH (Ghi)
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét