Searching...
Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

[Ô tô-Xe máy] -Cận cảnh cáp treo tự chế mưu sinh trên sông Hồng của người Hà Nội

Với mục đích giảm sức lao động, tăng sức vận chuyển hàng hóa người dân thôn Mai Châu, xã Đại Mạch (Đông Anh, Hà Nội) đã học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác để sáng chế ra chiếc cáp treo vượt sông Hồng.


Cận cảnh cáp treo tự chế mưu sinh trên sông Hồng của người Hà Nội

Hàng ngày, người dân thôn Mai Châu (Đông Anh, Hà Nội) sử dụng cáp treo tự chế để phục vụ quá trình canh tác cây nông nghiệp ngắn ngày bên phía bãi bồi giữa sông Hồng.


Cáp treo này được người dân thôn Mai Châu tự chế sau khi học hỏi kinh nghiệm từ nhiều địa phương khác để thay thế cho quá trình vượt khúc sông hồng dài cả trăm mét bằng thuyền trước đây.


Ông Dư, người trực tiếp làm cáp treo cho biết: “Sau nhiều lần đi du lịch, thấy người ta sử dụng cáp treo để vận chuyển người và đồ đạc. Về nhà tôi bàn cùng một số bà con sáng tạo ra cáp treo băng qua sông. Cả thôn này có 3 chiếc đặt ở khá gần nhau, mỗi chiếc trị giá khoảng 20 triệu đồng.


Chiếc cáp treo này được vận hành theo nguyên tắc động cơ được chế lại từ một chiếc xe máy cũ hoàn thành vào khoảng tháng 7 năm 2013.


Dây cáp treo được nối qua ròng rọc thẳng xuống động cơ này giúp lợi về lực và quãng đường để di chuyển nhanh hơn. “Tổng chiều dài của dây cáp từ hai đầu trụ là 180 mét, lòng sông rộng gần 100 mét”, ông Dư, người dân thôn Mai Châu cho biết.


Khi có người đi qua sông, chỉ cần một người đạp nổ động cơ, sau đó dùng tay trái ga như xe máy, tay phải dùng để phanh (hãm) cáp treo.



Trung bình mỗi tháng chiếc cáp treo tiêu tốn khoảng 15 lít xăng.


Để đảm bảo độ chắc chắn cho cáp không bị tuột, mỗi bên bờ được chôn 4 trụ bê tong sâu hơn 2m và chân đổ bê tông chắc chắn .


Cáp treo được tra dầu định kì, tùy theo thời gian trung bình mỗi tháng 2 lần.


Mục đích của cáp treo được người dân làm để vận chuyển hàng hóa, lương thực. “Trước đây, không có cáp chúng tôi vận chuyển, đi lại rất khó khăn khi phải qua lại bằng thuyền. Nhiều khi không may thuyền bị lật mất hết của cải, nông sản”, chị Phụng – người dân thôn Mai Châu nói.


Từ ngày có cáp treo người dân chúng tôi đỡ vất vả hơn trong quá trình vận chuyển phân bón, nông sản thu hoạch được về bên thôn để bán. Cáp có thể chịu lực khoảng 150kg nhưng để đảm bảo chúng tôi chỉ chở khoảng một nửa số đó”, anh Đàm Văn Nam, người thôn Mai Châu, Đại Mạch cho hay.


Mặc dù chỉ chở hàng hóa nhưng tới mùa lũ về, nước chảy xiết, chứng kiến có nhiều thuyền bị lật nên cáp treo có thêm chức năng vận chuyển người. "Thời gian đầu, nhìn chiếc cáp treo chênh vênh lại không có chỗ bám, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm nhưng giờ nhiều khi đi làm mệt mỏi có lúc ngồi lên để qua sông, nhưng chủ yếu chúng tôi sử dụng cáp chỉ để chở đồ đạc, hoa quả về bên này”, chị Phụng nói.


Không những vậy, việc để trẻ con vui đùa trên cáp treo là một vấn đề nguy hiểm, đáng báo động. Người dân nơi đây cần phải quan tâm và có trách nhiệm sử dụng với mục đích phù hợp khi sử dụng.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Back to top!