Searching...
Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

[Văn hóa] -Khám phá những nhà thờ cổ bí ẩn ở Ethiopia

Nép trong lòng những tháp đá cao thẳng đứng trong cao nguyên Gheralta ở phía bắc Ethiopia là những nhà thờ cổ có lịch sử từ ngàn năm trước mà ít người biết tới.

Cao nguyên Gheralta nằm ở tỉnh Tigray có khoảng 30 nhà thờ đá cổ. Mặc dù, người dân nơi đây lưu truyền rằng những nhà thờ này được xây dựng từ thế kỷ 4 tới thế kỷ 6 nhưng các nhà khoa học lại cho rằng chúng được hoàn thành trong khoảng thời gian từ thế kỷ 9 tới thế kỷ 12.


Nằm ở vị trí khá cao và khuất, những nhà thờ trên cao nguyên được xây dựng với mục đích “đưa các tín đồ tới gần thiên đường hơn và có thể bí mật theo dõi quân đội di chuyển dưới thung lũng”.


Vì thế, để chiêm ngưỡng những nhà thờ độc đáo nơi đây, du khách phải đi bộ trong những hẻm núi chật hẹp, leo lên những vách đá cao thẳng đứng vô cùng nguy hiểm.

Có thể nói du lịch khám phá nơi đây không dành cho những người yếu tim. Giới chức địa phương khuyến cáo, nếu muốn đi thăm thú ở khu vực này, du khách nên tìm cho mình một hướng dẫn viên là người dân địa phương am hiểu địa hình, lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ. Sau đây, hãy cùng hai phóng viên Audrey Scott và Daniel Noll của hãng tin BBC khám phá 3 trong số hơn 30 nhà thờ đá cổ độc đáo ở cao nguyên Gheralta.


Du khách nên tìm sự trợ giúp từ những hướng dẫn viên địa phương để khám phá nơi đây

Maryam Korkor, nhà thờ đã có lịch sử hơn 1.000 năm tuổi, là một trong những nhà thờ theo lối kiến trúc cổ chính thống Ethiopia còn lại tới ngày nay. Phong cách kiến trúc này còn được gọi là kiến trúc bán nguyên khối, nghĩa là người dân chạm khắc trực tiếp vào một tảng đá nguyên khối, không hề sử dụng thêm một vật liệu nào khác để xây dựng nhà thờ.


Mặt tiền của nhà thờ Maryam Korkor

Nhà thờ Maryam Korkor nằm ở độ cao 6m trên một núi đá sa thạch. Mặt tiền của nhà thờ hơi lệch và rộng khoảng 17m, giáo đường bên trong sâu và rộng khoảng 9m, tất cả được khoét hoàn toàn trong nham thạch của thế núi.


Những bức bích họa trong nhà thờ được vẽ bằng trái mọng hoặc màu từ lá cây

Bên trong nhà thờ độc đáo này có một cột đá hình chữ thập và mái vòm cao 6m của nó được trang trí bằng những bức bích họa tinh xảo sử dụng màu vẽ từ tự nhiên. Mặc dù truyền thuyết kể lại rằng những bức vẽ này có từ thế kỷ 13, nhưng các nhà nghiên cứu lại khẳng định, tới thế kỷ 17 chúng mới xuất hiện do có một số hình ảnh liên quan tới đế quốc Byzantine.


Lối đi men theo vách đá tới nhà thờ Daniel Korkor

Nơi thứ hai là nhà thờ Daniel Korkor, cách Maryam Korkor khoảng 300m về phía bên trái. Để tới Daniel Korkor, du khách phải men theo một lối đi vô cùng nguy hiểm, một bên là vách đá cao dựng đứng, bên còn lại là vực sâu.


Bên trong nhà thờ đá Daniel Korkor

Nhà thờ Daniel Korkor có cùng lối kiến trúc với Maryam Korkor nhưng có hai phòng riêng biệt. Trên trần nhà và quanh các bức tường của nhà thờ được trang trí bằng những bức vẽ đơn giản hơn so với các nhà thờ khác trên cao nguyên Gheralta.

Trông nom 2 nhà thờ nói trên là vị giáo sư 78 tuổi, ông Aba Tesfa Silassie, người đã sống ở vùng núi non xa xôi này suốt 63 năm qua.


Người đàn ông địa phương trèo lên vách đá cao trước để trợ giúp 2 phóng viên

Nơi cuối cùng hai phóng viên khám phá là nhà thờ Abuna Yemata Guh. Để lên được nơi này, các phóng viên cần phải tìm tới sự trợ giúp của những người dân địa phương. Họ leo lên các vách đá cao và từ đó nhìn xuống hướng dẫn hoặc kéo các phóng viên lên cùng. Vượt qua thêm một cây cầu đá tự nhiên và một cầu gỗ đã cũ, các phóng viên đã lên tới nhà thờ Abuna Yemata Guh.


Những hình vẽ nơi đây vẫn được bảo quản khá tốt

Bên trong nhà thờ này khá tối, các phóng viên phải mất tới cả chục phút để mắt có thể làm quen với bong tối, sau đó họ mới có thể nhìn thấy các bức bích họa trên trần của nhà thờ. Giống như các nhà thờ khác ở cao nguyên này, các bức tranh ở Abuna Yemata Guh được bảo quản tương đối tốt, một phần nhờ chính địa hình hiểm trở nơi đây.


Hình ảnh do 2 phóng viên chụp được từ vị trí nhà thờ Abuna Yemata Guh


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Back to top!