Sự việc đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, trong đó đa phần ủng hộ cách xử lý kiềm chế của Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Australia và cộng đồng phương Tây lên tiếng bày tỏ quan ngại về sự việc và lên án mọi hành động gây gia tăng căng thẳng. Cùng thời gian này, hàng loạt hãng truyền thông phương Tây cũng đăng nhiều tin, ảnh nổi bật về sự việc, đồng thời ủng hộ cách xử lý kiềm chế của phía Việt Nam.
Cảnh sát biển Việt Nam - "điểm tựa” cho ngư dân bám biển Sự kiện trên Biển Đông sau đó cũng tạo động lực cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) xích lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn để tạo nên sức mạnh tập thể. Ngày 10-5, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc sự việc, đồng thời nhấn mạnh việc phải tuân thủ luật pháp quốc tế UNCLOS 1982 và Tuyên bố DOC, yêu cầu thực hiện kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực. Tuyên bố trên của ASEAN đã được các nước trong và ngoài khu vực ủng hộ mạnh mẽ. Trong Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), vấn đề Biển Đông cũng được các Ngoại trưởng đem ra trao đổi thẳng thắn bên cạnh các vấn đề an ninh trong khu vực và toàn cầu. Liên tiếp các thảm họa hàng không Vụ mất tích đầy bí ẩn của máy bay Boeing 777 mang số MH 370 của Malaysia khởi hành từ Kuala Lumpur vào lúc vào 0 giờ 41 ngày 8-3, bắt đầu chuỗi các thảm họa hàng không thảm khốc xảy ra ở nhiều quốc gia trong năm 2014. Máy bay đã mất liên lạc 1 phút trước khi vào vùng thông báo bay TP. Hồ Chí Minh thuộc không phận Việt Nam, và cho đến nay việc mất tích vẫn là một ẩn số. 239 hành khách cùng với 12 thành viên phi hành đoàn đã biến mất. Rất nhiều giả thiết, phương án tìm kiếm máy bay rơi đã đặt ra nhưng đều chưa có kết quả, trong khi người thân của nạn nhân vẫn mòn mỏi ngóng chờ từng ngày.
Chỉ sau đó 4 tháng, một chiếc máy bay Boeing 777 cũng của Hãng hàng không Malaysia chở 298 hành khách đã mất độ cao và rơi xuống thị trấn Torez thuộc khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine. Một giới chức cấp cao của Ukraine nói rằng, chiếc máy bay đang từ Amsterdam tới Kuala Lumpur, bị bắn bằng tên lửa khi đang ở độ cao 10.000m. Theo Hãng hàng không Malaysia, máy bay mang số hiệu MH 17 rời sân bay Schiphol của Amsterdam vào lúc 17 giờ 15 ngày 17-7) và dự kiến sẽ tới sân bay quốc tế Kuala Lumpur vào lúc 5 giờ 10 sáng 18-7. Thế nhưng họ đã mất liên lạc với chuyến bay vào lúc 21 giờ 15 (giờ Việt Nam) ở vị trí cách biên giới Nga-Ukraine 50km. Chuyến bay MH 17 mang theo ít nhất 173 hành khách Hà Lan, 44 hành khách Malaysia (bao gồm 15 thành viên phi hành đoàn và 2 trẻ em), 27 người Australia, 12 người Indonesia và 9 người Anh. Các hành khách còn lại đến từ Đức, Bỉ, Philippines, Canada và New Zealand. Rất nhiều người trong số các hành khách thiệt mạng là một phái đoàn đang trên đường tới Melbourn (Australia) để tham dự một hội thảo về phòng chống AIDS. Sự kiện MH 17 không chỉ bao phủ thêm bầu không khí vốn đã tang tóc lên Malaysia, mà còn trở thành một trong những nhân tố khiến cuộc đối đầu Đông-Tây thêm phần căng thẳng, khi Mỹ và phương Tây cáo buộc phe ly khai thân Nga bắn hạ máy bay, trong khi Moscow cáo buộc chính quyền Ukraine gây nên vụ việc. Đến nay, sau khi nhiều thi thể hành khách xấu số đã được trở về quê hương, thực hư về số phận của chuyến bay mang số hiệu MH17 vẫn đang được làm rõ, trong khi căng thẳng Đông-Tây vẫn chưa đến hồi kết. Thế nhưng, Malaysia cũng như Hãng hàng không nước này Malaysian Airlines – không phải là nước duy nhất chịu mất mát từ các vụ tai nạn hàng không. Chỉ 2 tháng sau sự kiện MH 370 mất tích, ngày 17-5, một chiếc máy bay An-74TK300 của không quân Lào đã bị rơi tại làng Nadee thuộc tỉnh Xiengkouang, cách thủ đô Vientiane gần 500km. Vụ tai nạn đã khiến 4 lãnh đạo cao cấp của Lào tử nạn, trong đó có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, Bộ trưởng Bộ An ninh Lào, Bí thư kiêm Thị trưởng Thủ đô Vientiane và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lào. Ngày 7-7, máy bay trực thăng Mi 171 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân của Việt Nam, bị rơi khi đang huấn luyện nhảy dù. Vụ việc khiến nhiều chiến sĩ tham gia tập luyện hy sinh. Cũng khoảng thời gian này, đâu đó trên thế giới cũng xảy ra những vụ tai nạn máy bay đáng tiếc khác như ở Lào, Hàn Quốc, Algeria, Libya…mặc dù giới phân tích cho rằng ngành hàng không là khá an toàn, nhưng dường như sau thảm họa kép ở Malaysia, thế giới ngày càng quan tâm tới các vụ việc tương tự và điều này đã biến 2014 thành năm của thảm họa hàng không trong tâm trí nhiều người. Chiến sự bao trùm Trung Đông Khu vực Trung Đông vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn khó lường, nay đang phải chứng kiến hàng loạt cuộc xung đột đẫm máu căng thẳng chưa từng có từ trước đến nay. Việc Israel không ngừng xây dựng các khu định cư người Do Thái trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, đã tạo nên một mối bất đồng khó hóa giải giữa nhà nước Do Thái và Palestine. Chiến sự giữa hai bên trong năm nay đánh dấu một mức leo thang mới với số người chết kỷ lục, mà trong đó hầu hết là thường dân. Sự kiện Israel liên tiếp không kích dữ dội xuống Dải Gaza từ đầu tháng 7 năm nay, với lý do đáp trả các vụ nã tên lửa của lực lượng Hamas vào lãnh thổ Do Thái đã thổi bùng ngọn lửa giận dữ trong cộng đồng người Palestine trên khắp thế giới, cũng như tại Bờ Tây.
Israel bắt đầu chiến dịch "Bảo vệ Biên giới” từ hôm 8-7, tấn công Dải Gaza bằng các đợt ném bom dày đặc nhằm vào các bệ phóng rocket nghi là được đặt dọc biên giới hai nước. Các tay súng Phong trào Hamas đáp trả bằng hàng trăm quả rocket, tập trung nhằm vào khu vực trung tâm và phía Bắc Israel. Cuộc xung đột này được cho là có số người thiệt mạng lớn nhất kể từ sau cuộc tấn công 22 ngày của Israel năm 2008-2009, cũng chứng kiến nhiều quả rocket được khai hỏa từ phía Syria và Lebanon nhằm vào Israel, gây lo ngại rằng cuộc xung đột đang lan rộng. Cuộc đụng độ giữa Israel và Palestine gia tăng đột biến đang khiến cả cộng đồng quốc tế lo ngại. Liên minh châu Âu (EU) và Liên đoàn các quốc gia Arab (AL) đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế và ngừng bắn ngay lập tức. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về số phận dân thường trong cuộc giao tranh giữa Israel và Palestine. Theo báo cáo của LHQ, đã có trên 1.000 người chết ở Dải Gaza, chủ yếu là người Palestine, trong đó khoảng ¾ những người thiệt mạng là thường dân và khoảng 1/3 trong số các nạn nhân là trẻ em. Libya Cũng trong tháng 7, tình trạng bạo lực đã trở lại với đất nước Libya khi lực lượng Chính phủ đụng độ với các nhóm Hồi giáo vũ trang trong nước để giành quyền kiểm soát sân bay chính của thủ đô Tripoli. Tình trạng đổ máu ở thành phố Benghazi phía Đông Tripoli cũng trở nên căng thẳng, với ít nhất 38 người thiệt mạng trong các cuộc đọ súng giữa quân đội Chính phủ và các tay súng Hồi giáo. Các tay súng Hồi giáo hiện đang kiểm soát phần lớn đất nước Libya, là những kẻ đã châm ngòi cho tình trạng bạo lực tồi tệ nhất ở nước này kể từ sau các phong trào biểu tình lật đổ chế độ độc tài Muammar Gaddafi ở nước này năm 2011.
Ngày 28-7, một kho dự trữ xăng ở Thủ đô Tripoli đã bốc cháy dữ dội sau khi bị trúng rocket của các tay súng Hồi giáo, gây nên một thảm họa nhân đạo ở Libya. Đây là kho dự trữ xăng lớn nhất ở Tripoli, với trữ lượng lên tới 6,6 triệu lít. Chính quyền đã chịu bó tay trong việc dập tắt ngọn lửa này, cùng lúc với việc chiến đấu với phiến quân và đã phải kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để dập tắt ngọn lửa dữ. Chiến sự trở lại Libya đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại, trong khi nhiều nước như Pháp, Đức, Mỹ và Anh đã lên tiếng cảnh báo người dân nước họ đang trú tại Libya phải rời khỏi nước này ngay lập tức. Liên hợp quốc, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ trước đó cũng tuyên bố họ đang rút toàn bộ đội ngũ đang có mặt ở Libya về nước để tránh làn sóng bạo lực gia tăng. Chính phủ các nước Ai Cập, Hà Lan, Bỉ, Malta, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ đều lên tiếng yêu cầu công dân nước mình rời khỏi Libya. Trong một tuyên bố mới đây, chính quyền Libya còn cảnh báo về khả năng đất nước này bị tan vỡ nếu như các cuộc đấu súng ở sân bay Tripoli tiếp tục kéo dài. Cho đến nay, chiến sự ở Libya đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố ở Iraq Trong khi cuộc nội chiến ở Syria ngày càng trở nên phức tạp trong bối cảnh xung đột giữa dòng người Hồi giáo Sunni và Shi’ite trong khu vực, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố trong khu vực Hồi giáo ngày càng trở nên đáng lo ngại, trong đó thế lực được coi là tàn bạo nhất là tổ chức phiến quân Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông (ISIL). Nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng ở Iraq bắt nguồn từ cuộc xung đột sắc tộc nghiêm trọng trong nước, giữa chính quyền người Shi’ite và cộng đồng Sunni thiểu số. Kể từ năm ngoái, ISIL đã liên tục khuấy động chiến tranh ở nhiều khu vực. Tổ chức này tiến quân vào Iraq và cả Syria với mục đích thiết lập vùng lãnh thổ riêng nằm vắt qua biên giới hai nước. Hậu quả của cuộc nổi dậy là hơn 8.860 người chết tại Iraq trong năm 2013. Lợi dụng cuộc chiến ở Syria, tổ chức này chiếm được vùng lãnh thổ riêng ở phía Bắc nước này. Trong khi đó, ở dọc biên giới với Iraq, ISIL đã đánh chiếm hàng loạt thành phố quan trọng, đối đầu với lực lượng người Sunni và Chính phủ Iraq, gây nên hành động khủng bố lớn nhất từ trước đến nay kể từ sau khi quân đội Mỹ rút (tháng 12-2011).
Trung tuần tháng 6, sau khi tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo (IS) trên vùng lãnh thổ chiếm được nằm giữa Syria và Iraq, ISIL tiến sâu hơn về phía Đông-Nam sau khi chiếm được Mosul - một thành phố lớn của Iraq ở phía Bắc, và Tikrit - quê hương của ông Suddam Hussein; ISIL tiếp tục tiến đến 2 thị trấn khác ở tỉnh Diyala gần biên giới với Iran. Trong khi đó, Saadiyah và Jalawla đã rơi vào tay lực lượng phiến quân Hồi giáo dòng Sunni, sau khi quân đội Chính phủ bỏ chạy khỏi các đồn bốt. ISIL còn dọa sẽ nhanh chóng tiếp cận thủ đô Baghdad và Karbala, một thánh địa linh thiêng đối với người Hồi giáo. Thủ tướng Iraq Nouri Maliki phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc. Trong khi đó, ở miền Bắc Iraq đà tiến công của ISIL đã gây nên một cuộc khủng hoảng nhân đạo khi tổ chức này đàn áp dân tộc người thiểu số Yazidi. Sự việc sau đó đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Trước tình hình căng thẳng lên đến mức báo động ở Iraq, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khởi động chiến dịch không kích ở quốc gia Trung Đông này để hỗ trợ binh sĩ Chính phủ và chiến binh người Kurd chống lại ISIL. Giữa lúc các cuộc không kích của Mỹ đang đạt được một số kết quả nhất định, thì ngày 19-8, ISIL đã tung lên Internet đoạn băng hành quyết man rợ nhà báo tự do người Mỹ (40 tuổi) tên James Foley, đồng thời đe dọa sẽ hành quyết thêm nhiều con tin khác nếu Washington vẫn tiếp tục không kích ở Iraq. Sự việc chấn động ngay lập tức nhận được sự quan tâm và lên án của cộng đồng quốc tế, trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố vẫn sẽ tiếp tục các chiến dịch không kích ở miền Bắc Iraq nhằm vào phiến quân này. Trước sự lớn mạnh không thể ngăn cản của ISIL, Washington đã phải thừa nhận rằng đây là tổ chức nguy hiểm đối với nước Mỹ. Các quan chức Lầu Năm Góc trong ngày 22-8 đã lên tiếng cảnh báo về ISIL cho rằng, đây là một tổ chức nguy hiểm hơn khủng bố thông thường, với nguồn vốn dồi dào và vũ khí hiện đại. Trong khi một số nước phương Tây ngày càng bất an khi biết được nhiều công dân nước họ đã tham gia vào tổ chức phiến quân này. Sự hồi sinh của al-Qaeda dưới vỏ bọc của Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông cho thấy, những cuộc can thiệp quân sự của Mỹ và phương Tây trong nhiều năm liền nhằm tiêu diệt tổ chức này đã không mang lại kết quả gì ngoài "trái đắng”. Đại dịch Ebola hoành hành Không chỉ đối mặt với các thảm họa hay chiến sự, cả thế giới đang vô cùng lo lắng về sự lây lan rất mạnh của căn bệnh Ebola – gây nên bởi một trong những loại virus nguy hiểm nhất mà nhân loại từng biết đến đã bùng phát trở lại từ châu Phi kể từ đầu năm nay. Dịch virus Ebola (EVD) hay còn gọi là sốt xuất huyết Ebola (EHF) có tỉ lệ tử vong cao nhất trong các loại dịch bệnh: 90%. Tên virus này được đặt theo tên một con sông ở Cộng hòa Congo - nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên vào năm 1976. Các triệu chứng của Ebola là sốt cao, ốm yếu, đau cơ và viêm họng, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhưng đó chỉ là các triệu chứng ban đầu, sau thời gian ủ bệnh từ 2-21 ngày các triệu chứng sẽ nặng hơn như: nôn mửa, tiêu chảy, suy giảm chức năng gan, thận và trong một số trường hợp là xuất huyết nội và ngoại. Từ trước đến nay do Ebola chưa từng lan rộng nên thế giới chưa đủ sự quan tâm để điều chế một loại dược phẩm phòng dịch bệnh này. Hiện nay, việc chẩn đoán một người bị nhiễm virus Ebola là khá đơn giản, nhưng tuyệt nhiên không có thuốc chữa trị, điều trị hoặc làm chậm quá trình phát triển của virus.
Từ ngày 22-3, Guinea bắt đầu thông báo về dịch Ebola xuất hiện ở miền Nam nước này đã giết chết 59 người. Virus Ebola chỉ 5 ngày sau đó đã lan tràn tới thủ đô Conakry của Guinea. Đến ngày 31-3, Liberia cũng xác nhận có những trường hợp tử vong do Ebola đầu tiên ở nước này. Sirra Leone đến ngày 26-5 cũng xác nhận một ca tử vong do Ebola. Một bằng chứng khác cho thấy, Ebola có thể lây lan xuyên biên giới là trường hợp 2 bác sĩ người Mỹ tử vong do nhiễm virus này trong quá trình hỗ trợ người bệnh ở Tây Phi, trong khi một bác sĩ khác được cử đến Liberia cũng mắc phải căn bệnh này và trở về nước. Đây là trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên của Mỹ. Kể từ khi sự việc xảy ra, Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác đã cảnh báo sự lây lan của Ebola cùng các biện pháp kiểm soát khắt khe áp dụng tại các sân bay quốc tế, đóng cửa hàng không với các nước đang có dịch. Giới chức Tây Phi cuối tuần trước đã đề ra nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm kiểm soát sự lan tràn của dịch Ebola ra các khu vực bên ngoài, trong đó bao gồm cách ly người bị nhiễm và nghi bị nhiễm ở vùng nông thôn. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 1-8, đã có 1.603 ca nhiễm Ebola ở 4 nước: Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone, trong đó có 887 ca tử vong. Đáng chú ý khi chỉ trong hai ngày từ 31-7 đến 1-8, đã có 163 ca nhiễm mới được ghi nhận và 61 ca tử vong. Trước diễn biến này, mới đây Tổ chức Y tế thế giới đã quyết định triệu tập phiên họp khẩn cấp nhằm đi đến quyết định tuyên bố tình hình dịch bệnh Ebola hiện nay đã đến cấp độ "khẩn cấp quy mô quốc tế” hay không để áp dụng biện pháp ngăn chặn lây lan, thậm chí có thể hạn chế đi lại đối với người dân ở các nước có dịch. Nhiều viện nghiên cứu Y tế ở Mỹ cho hay, họ sẽ bắt đầu thử nghiệm các loại vắcxin chữa trị Ebola vào đầu tháng 9 năm nay. Giới chức Y tế Mỹ cũng cho biết, họ cần ít nhất 3 tháng để có thể kiểm soát dịch bệnh này. Khánh Duy |