Searching...
Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

[Thể thao ] -Căn nguyên

QĐND - 6 cầu thủ của câu lạc bộ bóng đá Đồng Nai dính vào vụ dàn xếp tỷ số đã chính thức bị khởi tố và bắt tạm giam với tội danh “đánh bạc và tổ chức đánh bạc”. Cùng với 9 cầu thủ V.Ninh Bình đã bị khởi tố hồi tháng 4 do liên quan đến vụ sắp đặt tỷ số ở AFC Cup 2014, vậy là đã có dư đội hình của một đội bóng, có cả thủ môn, bị khởi tố!

Bóng đá Việt Nam, vốn đã xuống tới đáy của sự thất vọng bởi hàng loạt vấn đề như bạo lực sân cỏ, sai sót của trọng tài, khán giả quậy trên khán đài, giờ lại tiếp tục bị dìm sâu hơn nữa trong cuộc khủng hoảng lòng tin. Rất nhiều ý kiến bi quan đã quy kết rằng, nhiều trận đấu ở giải đấu hạng cao nhất của bóng đá quốc gia đều là những vở diễn, chỉ khác nhau về trình độ của “diễn viên” mà thôi. Thắng đẹp thì là diễn tốt mà thua xấu là do diễn dở, diễn tồi!

Vấn nạn cá độ trong bóng đá Việt Nam với việc các cầu thủ nhúng chàm, không phải mới xảy ra trong một ngày, mà nó đã diễn ra từ hàng thập kỷ qua, một cách liên tục, ở khắp các đội bóng. Các ngôi sao hạng nhất, các tuyển thủ quốc gia cũng chẳng được miễn nhiễm khỏi tệ nạn này. Từ những vụ tiêu cực của Lã Xuân Thắng, Đỗ Thành Tôn cho đến Trương Văn Dưỡng, Nguyễn Phúc Nguyên Chương hồi thập kỷ 90, rồi nỗi hổ thẹn ở Bacolod, Phi-líp-pin, với hơn phân nửa đội tuyển U23 dự SEA Games năm 2005 tham gia bán độ, trong đó có những ngôi sao hàng đầu như Quốc Vượng, Văn Quyến. Có người trong số đó đã phải “mặc áo Juventus” như Quốc Vượng, nhiều người bị án tù treo, nhẹ hơn thì bị treo giò vĩnh viễn hay có thời hạn…

Đấy quả thật là một “lịch sử” hãi hùng của bóng đá Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra luôn là vì sao các cầu thủ lại hành xử như thế?

Rất nhiều ý kiến cho rằng, đời sống cầu thủ những năm bao cấp quá khó khăn, phải xé rào đi đêm để kiếm thêm. Điều này có thể đúng với một số trường hợp thời kỳ đầu của “lịch sử tiêu cực” trong bóng đá Việt Nam. Nhưng đến khi tiến lên làm bóng đá chuyên nghiệp (mà có người vẫn gọi là bóng đá nghiệp dư được trả lương cao!), cầu thủ rủng rỉnh tiền bạc vẫn rơi vào vòng tội lỗi thì cách lý giải đó không đứng vững được nữa.

Nó lại càng khó giải thích hơn trong những trường hợp cá biệt như Long Giang của Đồng Nai, gia đình khá giả, tự mình xây dựng được một cơ ngơi đồ sộ là nỗi thèm muốn của bao cầu thủ, vậy mà vẫn tham gia dàn xếp tỷ số để kiếm thêm tiền!

Chỉ có thể hiểu rằng, những thói tật ở ngoài xã hội như thế nào thì nó cũng ánh xạ vào trong bóng đá như thế. Lòng tham là bản năng của con người, nhưng khi bị kiềm tỏa bởi những lề luật của xã hội, người ta sẽ không dễ sa ngã, đánh mất bản thân vì những khoản tiền kiếm được quá dễ dàng.

Cầu thủ bóng đá của ta sống trong môi trường nhiều cạm bẫy, đến ngay những cầu thủ tỷ phú nhưng cũng vẫn sa chân vào cờ bạc đỏ đen, thì những món lợi dễ kiếm (mà lại nghĩ đơn giản là sẽ không bị trừng phạt), là miếng mồi khó cưỡng.

Lý giải được nguyên nhân dẫn tới sự phạm tội của hàng loạt cầu thủ bóng đá, thế nhưng khâu khó nhất là tìm ra giải pháp để khắc chế được vấn nạn này lại không hề dễ dàng một chút nào.

Các hoạt động điều tra của C45 Bộ Công an chỉ có thể giúp phanh phui ra cái mặt tối ám của bóng đá nước nhà, chứ còn giải quyết triệt để vấn nạn này phải là của nhiều khâu. Bởi căn nguyên từ xã hội thì chỉ có thể khắc phục từ chính những giải pháp mang tính đồng bộ của toàn xã hội mà thôi.

YÊN BA


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Back to top!