(VTC News) - Đề xuất phong hàm Đại tướng thứ hai cho Thứ trưởng thứ nhất Bộ Công an chưa nhận được sự đồng tình của đa số đại biểu Quốc hội.
Chiều 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
“Nếu quy định cụ thể thời hạn thăng cấp bậc hàm trong mỗi cấp Tướng thì tuổi đời của sĩ quan cấp Tướng khi được phong, thăng sẽ cao (Đại tướng là 63 tuổi, Thượng tướng là 59 tuổi, Trung tướng là 55 tuổi, Thiếu tướng là 51 tuổi). Như vậy, sẽ khó quy hoạch nguồn cán bộ cũng như gặp khó khăn trong bố trí, sử dụng cán bộ khi có nhu cầu”, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị quy định trong Luật thời hạn xét thăng cấp bậc hàm tướng theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 398-TB/TW. Đa số các đại biểu cho rằng đây là chủ trương đúng cần phải được quy định trong Luật. Đối với việc quy hoạch bảo đảm yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ sĩ quan cấp tướng trong công an nhân dân (CAND) phải được xác định trên cơ sở các chức vụ có quân hàm cấp tá để bồi dưỡng, đào tạo, bảo đảm có chọn lọc đối với sĩ quan có đức, tài và có nhiều cống hiến tương xứng với vị trí có nhu cầu cấp tướng. Thứ trưởng Bùi Văn Nam cũng thông tin thêm dự thảo Luật giữ nguyên quy định của Luật CAND năm 2005, cấp bậc hàm cao nhất là Đại tướng. Cấp bậc hàm cao nhất của các đồng chí Thứ trưởng là Thượng tướng. “Riêng đối với đồng chí Thứ trưởng thứ nhất, cấp bậc hàm cao nhất là Đại tướng, vì trên thực tế, đồng chí này đứng vị trí thứ hai trong Bộ Công an, sau đồng chí Bộ trưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương. Quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tương quan với Quân đội nhân dân”. Cấp bậc hàm cao nhất của Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là Thượng tá.
Cho ý kiến về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan CAND, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị nên quy định rõ số lượng sĩ quan cấp tướng trong CAND, để bảo đảm cơ cấu cấp bậc hàm phù hợp với cơ cấu tổ chức của CAND. “Tờ trình của Chính phủ chưa chỉ ra được nhu cầu phong, thăng cấp bậc hàm trung tướng, thiếu tướng mới đảm bảo thực hiện tốt công việc được giao” – ông Nguyễn Văn Hiện cho biết. Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh lưu ý, đối chiếu với chỉ đạo của Bộ Chính trị thì dự thảo Luật vẫn chưa thực hiện triệt để một số nội dung. Cụ thể, việc xác định vị trí có nhu cầu hàm cấp tướng tuy đã quy định cụ thể nhưng vẫn chưa thật chặt chẽ, đúng nhu cầu trong Luật: như dự thảo Luật CAND (sửa đổi) đã nâng trần và mở rộng diện một số chức vụ có trần cấp hàm tướng so với Luật CAND hiện hành, hầu như tất cả các chức vụ Cục trưởng đều có trần cấp hàm Thiếu tướng, một số là Trung tướng. Nhiều chức danh tương đương với chức vụ Cục trưởng cũng có trần cấp hàm Thiếu tướng, Trung tướng, trong đó có chức danh mới được bổ sung vào dự thảo Luật như Hiệu trưởng trường sĩ quan Tham mưu, đồng thời quy định phong cấp bậc hàm tướng đối với cả một số chức vụ ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh và các đơn vị có tính chất dịch vụ công. Một số chức vụ có trần cấp bậc hàm tướng chưa bảo đảm yêu cầu quy định hàm cấp trưởng phải cao hơn cấp phó một bậc (theo Điều 23 của dự thảo Luật, Thứ trưởng thứ nhất cấp hàm bằng Bộ trưởng là Đại tướng; Phó Tổng cục trưởng thứ nhất cấp hàm bằng Tổng cục trưởng là Trung tướng)... Bên cạnh đó, ban thẩm tra cũng cho rằng việc chưa thống nhất cấp hàm tương đương giữa Công an và Quân đội đối với chức vụ Giám đốc Công an 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Nai) cũng là điểm cần xem xét. Cuối cùng, dự thảo Luật chưa nghiên cứu để quy định cụ thể việc tách lương ra khỏi cấp bậc hàm. Kết luận phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng các vấn đề này đều rất hệ trọng, cần tổng kết sâu sắc để chỉ ra những nhược điểm, hạn chế cũng như kế thừa được những vấn đề còn nguyên giá trị của đạo luật cũ. Trong đó có vấn đề được quan tâm là việc phong hàm, cấp sỹ quan trong lực lượng CAND. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng cơ quan soạn thảo cần tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong thời gian tới. Phạm Thịnh |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét