Searching...
Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

[Xã hội-Infonet] - Tổng thư ký Quốc hội sẽ là người phát ngôn Quốc hội

Tới đây chức danh Tổng thư ký Quốc hội sẽ trở thành người phát ngôn chính thức của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc đang giữ vai trò người phát ngôn

Dự thảo Luật tổ chức Quốc hội dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2015 quy định rõ nhiệm vụ của chức danh mới Tổng thư ký Quốc hội.

Theo quy định, người giữ trọng trách này sẽ phải lập dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội, họp Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cuộc họp do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức...

Tổng thư ký cũng có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giữ mối liên hệ với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và với các đại biểu Quốc hội.

Đồng thời Tổng thư ký Quốc hội sẽ có nhiệm vụ tổ chức công tác phát ngôn chính thức và công tác thông tin báo chí về các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội... Chức danh này sẽ do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm.

Cho ý kiến về những vấn đề có liên quan vào sáng 15/4, đồng tình với chủ trương nâng cấp một số cơ quan trong UB TVQH, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đề nghị, đối với chức danh Tổng thư ký Quốc hội cần phải khẳng định rõ ràng là người phát ngôn chính thức của Quốc hội và UB TVQH.

Liên quan đến Hội đồng dân tộc và các Ủy ban, Trưởng ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị rà soát lại để tránh chồng chéo. Ngoài ra cũng cần có quy định mối quan hệ phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ chung của Quốc hội ra sao?

Song song với đề nghị giữ nguyên bộ máy Hội đồng dân tộc như hiện nay, bà Phóng cũng cho rằng, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã được ghi riêng trong Hiến pháp. Đây là vấn đề không liên quan nên không cần thiết ghi trong Luật tổ chức Quốc hội.

Tuy nhiên, trong trường hợp Hội đồng dân tộc chưa tương xứng, hay hội đồng này khác với các ủy ban khác như thế nào, vó ĐB đề nghị nên chọn lọc một số vấn đề và xin ý kiến Quốc hội, xác định xem trước hết mối quan hệ giữa ĐBQH với người dân như thế nào.

Đối với chương về ĐBQH, ĐB TVQH cũng đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn chứ không thể tùy tiện có đi họp hay không. Bởi khi làm ĐBQH thì đã nhận trách nhiệm với người dân, nên phải đi họp đầy đủ. Ngay cả đối với đại biểu không chuyên trách, cơ quan công tác cũng phải bố trí thời gian để ĐB đi dự họp.

Khẳng định Quốc hội phải lấy đại biểu là vị trí trung tâm, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng băn khoăn không biết lần sửa đổi này có gì đổi mới để ĐB tăng trách nhiệm, tăng quyền để thể hiện được vai trò quyền lực cao nhất của nhân dân.

Thành Nam


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Back to top!