Searching...
Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

[Nhà đất] -Vỡ và tiếp tục sẽ vỡ…

Đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội đã vỡ tới 9 lần. Người dân vẫn tiếp tục phải… chờ còn doanh nghiệp thì chỉ… xin lỗi. Và chưa có cá nhân, doanh nghiệp nào phải chịu trách nhiệm về những lỗi trên!

Tuyến ống truyền tải nước sông Đà là một trong những hạng mục công trình chính của dự án xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư.



Vinaconex cam kết sẽ đẩy nhanh việc đầu tư giai đoạn 2 đường ống dẫn nước sông Đà

Đưa vào sử dụng từ năm 2009 nhưng đến nay đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội đã vỡ tới 9 lần. Việc vỡ ống nước sông Đà là một sự cố nghiêm trọng bởi mỗi lần đường ống vỡ, cuộc sống của hơn 70.000 hộ tức gần 1 triệu người dân ở Hà Nội bị đảo lộn.

Theo kết quả kiểm tra của Viện Khoa học Kỹ thuật Xây dựng (Bộ Xây dựng), đường ống dẫn nước DN1500 có chất lượng không đồng đều. Những đoạn xảy ra sự cố, không đạt yêu cầu thiết kế. Những khuyết tật về đường ống như bong, rộp không được nghiệm thu mà vội đưa vào lắp đặt.

Nguyên nhân thứ hai là trong quá trình vận chuyển, thi công, lắp đặt đã gây ra một số tác động bất lợi tới đường ống, làm giảm khả năng bám dính giữa các lớp vật liệu cấu tạo ống, lâu dài ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của ống trong khai thác sử dụng.

Các nguyên nhân này đều dẫn đến hiện tượng, xu hướng làm giảm khả năng kết dính giữa các lớp vật liệu cấu tạo ống và về lâu dài làm hỏng cục bộ đường ống. Ngoài ra có một số nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng tới khả năng chịu lực của tuyến ống như: ảnh hưởng của việc thi công xây dựng và vận hành khai thác tuyến đại lộ Thăng Long có tác động bất lợi lên đường ống; việc gia tăng tải trọng của các phương tiện giao thông tại các đường ngang...
Ông Vũ Quý Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Vinaconex cũng thừa nhận, Vinaconex còn thiếu kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng tuyến ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội với lý do “ống composite cốt sợi thủy tinh được sử dụng là loại vật liệu lần đầu tiên được ứng dụng trong hệ thống truyền tải nước sạch tại Việt Nam”.

Vì vậy tuyến đường ống giai đoạn 2 sẽ được Tổng công ty Vinaconex đầu tư bằng vật liệu kim loại. Hiện Vinaconex đã tiến hành tham khảo, đánh giá việc sử dụng tuyến ống bằng kim loại đang được sản xuất tại Bình Dương, Đồng Nai cho trạm cung cấp nước sạch tại Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh). Nếu xác định công nghệ này phù hợp, tuyến ống dẫn nước sông Đà giai đoạn 2 sẽ được sử dụng vật liệu kim loại này.

Đại diện Tổng công ty Vinaconex cam kết sẽ đẩy nhanh việc đầu tư giai đoạn 2 đường ống dẫn nước sông Đà với tổng kinh phí là 4.000 tỷ đồng, trong đó riêng 28 km từ quốc lộ 21 về đến vành đai 3 (Hà Nội) có tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng sẽ triển khai trong tháng 9 để hỗ trợ cho tuyến ống thứ nhất thường xuyên có nguy cơ bị vỡ.

Hiện Vinaconex cũng đang đẩy nhanh các thủ tục xin phép Chính phủ, các bộ, ngành, UBND TP. Hà Nội và tỉnh Hòa Bình triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 2, nâng công suất cấp nước lên 600.000m3/ngày đêm theo đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, lựa chọn loại ống truyền tải phù hợp, đảm bảo an toàn khi vận hành, trong thời gian nhanh nhất có thể nhằm đáp ứng nhu cầu tăng thêm 300.000m3/ngày đêm (giai đoạn 2) cho nhân dân Thủ đô Hà Nội và các địa phương lân cận.

Và để tránh “việc liên tục vỡ ống”, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó chánh văn phòng UBND TP. Hà Nội cho biết: “Đối với tuyến đường ống nước sông Đà giai đoạn 2, thành phố sẽ tăng cường giám sát, trong đó chất lượng vật liệu sử dụng làm tuyến đường ống sẽ đặt ưu tiên lên hàng đầu, để bảo đảm sự ổn định khi truyền dẫn với nguồn nước áp lực cao, tránh những sự cố vỡ ống nước như thời gian vừa qua”.

Thực tế như thế nào thì người dân vẫn tiếp tục phải… chờ và hy vọng đường ống sẽ không tiếp tục vỡ nữa. Bởi nếu vỡ thì người dân phải lãnh đủ còn doanh nghiệp thì chỉ… xin lỗi và tiếp tục đầu tư!

Vâng! Tiếp tục được đầu tư khi mà công trình trước do chính đơn vị này đầu tư đã hỏng nghiêm trọng và chưa có cá nhân, doanh nghiệp nào phải chịu trách nhiệm về những lỗi trên. Có chăng, người dân hàng ngày phải đi mua từng can nước với giá cao, chia sẻ với nhau từng gáo nước sạch phải chịu trách nhiệm vì đã trót… tin!

Bài và ảnh Hà Đăng


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Back to top!