"Sét đánh xuống gia đình khiến vợ chồng tôi cùng cháu Tâm bị thương nặng, còn bà ngoại tôi bị bỏng 60% nên đã không qua khỏi...”, chị Nga nhớ lại.
Sau 10 năm, có thể với ai đó vết thương đã lành. Song cũng chừng ấy thời gian, với anh Nguyễn Thành Ôn, SN 1968, và chị Lê Thị Nga, SN 1970, trú tại thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, nỗi đau vẫn như mới xảy ra ngày hôm qua, tuy nhiên bằng tình yêu, nghị lực, khát vọng sống cả gia đình vẫn gắng gượng vươn lên. Khổ như bị… “giời đánh” Gia đình anh chị Ôn Nga có 4 người, nhưng có tới 3 người mang trên mình thương tích nặng nề mà “lưỡi tầm sét” để lại. Những cái đầu có nửa phần tóc và thân thể chỉ còn một nửa lành lặn. Theo đó, đầu tháng 10/2002, khi chị Nga vừa sinh cháu thứ hai, gia đình anh chị bị “thiên lôi” gõ cửa. Chị Nga nhớ lại: “Tôi mới sinh cháu Nguyễn Thành Tâm nên còn rất yếu. Hôm đó bà ngoại tôi đến thăm chắt thì gặp nạn. Sét đánh xuống gia đình khiến vợ chồng tôi cùng cháu Tâm bị thương nặng, còn bà ngoại tôi bị bỏng 60% nên đã không qua khỏi...”. Sau sự cố kinh hoàng ấy, tính mạng của anh chị và cháu Tâm “ngàn cân treo sợi tóc”, anh chị đã phải giành giật sự sống từng giờ với tử thần. Ngày xuất viện, anh Ôn nhọc nhằn đưa cánh tay yếu ớt lành lặn còn lại dìu vợ con quay về nơi gọi là nhà với hai bàn tay trắng. Sét đã làm cháy hết đồ đạc trong nhà, kể cả phương tiện làm ăn của chị Nga là chiếc máy may cũ. Thoát khỏi lưỡi hái tử thần là một niềm vui lớn, thế nhưng nhìn vào thân thể mình thì ai cũng bi quan. Thấy chị Nga khóc suốt, anh Ôn đã động viên vợ phải gắng lên để sống không phải vì mình mà vì hai đứa con. “Ngày đó tôi đã nói với vợ, trời đánh mà không chết có nghĩa là mình phải sống. Giờ mình không còn được như ngày xưa, thân thể không còn lành lặn nhưng dẫu sao mình vẫn còn được sống bên nhau như vậy đã là hạnh phúc lắm rồi”, anh Ôn hồi tưởng. Giờ đây, lúc trái gió, trở trời, vết thương vẫn bỏng rát, đôi mắt ngày một mờ dần trên hai cơ thể chỉ còn 45% sức khỏe, chân trái, tay trái và nửa đầu bị chứng máu không tuần hoàn, khô xương và co rút. Còn Tâm, con trai út của anh chị do di chứng để lại nên nay dù đã hơn 10 tuổi nhưng cơ thể teo tóp như đứa trẻ lên 5, tinh thần không ổn định. Chỉ có cháu Nguyễn Huy Thành, con trai lớn của anh chị thoát nạn do hôm ấy cháu đi học phụ đạo.
Di chứng còn đó Cậu bé Nguyễn Thành Tâm do di chứng của trận sét kinh hoàng hôm nào để lại, cả ngày chỉ biết ra vào la hét vô thần, vô định. Và cho đến tận bây giờ, cứ hễ thấy trời đổ mưa, hoặc có tiếng nổ đì đùng, là em lại hoảng hốt nằm lăn dưới nền nhà hoặc chui xuống gầm giường vì "sợ sét đánh". Căn nhà cấp bốn lợp tôn nhỏ qua bao năm dành dụm, tằn tiện từ nghề thợ nề của anh và tiệm may quần áo của chị chỉ trong một phút chốc cũng đã bị "trời" thiêu rụi.Vậy là, vừa đau đớn thể xác, thiếu thốn trăm bề, gồng gánh nuôi 2 con thơ dại, nợ nần chồng chất vì không có tiền chạy chữa thuốc thang cho cả 3 người trong gia đình, trong khi 2 anh chị không thể làm được bất cứ việc gì. Chị Nga đã không ít lần nghĩ cạn, bi quan cố tìm đến cái chết. Nhưng có lẽ sau lần thập tử nhất sinh mà trời giáng xuống ấy, thì dẫu chị có tìm đủ phương cách như thế nào thì trời vẫn bắt chị phải tiếp tục sống. Còn anh Ôn, từ một tay thợ lành nghề, với thu nhập hàng tháng ngót nghét 4 triệu đồng, nay cơ thể đau đớn và đầy thương tật không thể theo nghề được nữa, nhưng dẫu thế nào anh vẫn cố làm chỗ dựa cho cả gia đình. Để duy trì cuộc sống và có tiền thuốc thang chữa bệnh, anh đành phải chọn cái nghề "vừa sức" để mưu sinh. Mỗi ngày dù nắng gắt hay mưa dầm, anh cũng cố lê từng bước khó nhọc, đi bán vé số để kiếm tiền mua gạo, mua rau. Và dù cuộc sống cực nhọc, đau đớn là vậy nhưng anh Ôn luôn tỏ ra lạc quan, yêu đời. Anh nhớ như in cái ngày trong nhà không còn lấy một hạt gạo, vợ anh vì thiếu dinh dưỡng lại thương tích đầy mình nên không có sữa cho con bú. Lòng đau quặn thắt, anh lầm lũi ôm con trong nước mắt tìm lên chùa xin cháo cho đứa trẻ cầm hơi… Nhưng chỉ một thoáng buồn khi kể lại câu chuyện của vợ chồng mình. Rồi anh cười khoe: Nay cuộc sống của gia đình đã đỡ hơn phần nào, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự chăm sóc tận tình của các cán bộ y tế xã nên tình trạng bệnh tật của vợ chồng con cái anh chị đã dần tạm ổn định. Người dân trong thôn rất cảm phục vợ chồng anh hiền lành và đầy nghị lực. Họ đã cảm kích vô cùng khi chứng kiến cái gia đình bị “trời đánh” năm nào, đã cùng nhau sẻ chia, dắt dìu nhau vượt qua khó khăn, bệnh tật. Gia đình anh chị không vì cái bệnh, cái khổ mà bấu víu lấy lòng thương hại của những người xung quanh, mà anh chị đã tự bươn chải, tự duy trì một gia đình đầm ấm. May mắn cho anh chị, vừa rồi có một tổ chức từ thiện của nước ngoài khi hay tin về hoàn cảnh gia đình đã hỗ trợ xây lại cho anh chị một căn nhà cấp 4 trên phần đất của cha anh để lại. Theo Hoàng Linh/Pháp Luật Xã Hội |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét