Searching...
Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

[Văn hóa] -Liên kết phát triển du lịch giữa vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên: Mỗi người hãy cho du lịch một nụ cười!

Mới đây, trong chương trình làm việc tại tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận về liên kết phát triển du lịch giữa vùng duyên hải miền Trung và đại ngàn Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch, đã chia sẻ quan điểm: “Thay vì cách làm du lịch cẩu thả… thì bây giờ mỗi người hãy cho du lịch một nụ cười!”.


Thành phố biển Nha Trang thu hút nhiều khách du lịch Thiếu liên kết phát triển du lịch vùng
Nạn chặt chém, tăng giá vô tội vạ, bán hàng rong, chèo kéo du khách, taxi “dù”... tuy không mới nhưng đang có xu hướng “rộ lên” ở một số nơi, là một trong những “rào cản” khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm nhiều trong vài tháng qua. Thực tế, theo Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, do đặc điểm về địa lý, tài nguyên tương đối giống nhau nên các địa phương dễ học tập các mô hình phát triển sản phẩm du lịch của nhau, tạo ra sự “na ná”, “trùng lắp” trong sản phẩm du lịch, dẫn đến sự canh tranh thiếu lành mạnh, xung đột lợi ích, triệt tiêu nhau và sự nhàm chán trong trải nghiệm du lịch của du khách. Ngoài một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam và gần đây là Bình Định... đã khai thác được lợi thế về thiên nhiên và văn hóa để phát triển sản phẩm du lịch, còn lại hầu như các tỉnh mới chú trọng đến thế mạnh về du lịch biển. Ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhìn nhận, khu vực duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận) và 5 tỉnh Tây Nguyên chưa có địa phương nào đủ lớn, đủ mạnh để đảm nhận vai trò hạt nhân phát triển du lịch, dẫn đến phân tán nguồn vốn đầu tư, hiệu quả thấp. Hơn nữa, việc thực hiện quảng bá du lịch từng địa phương cũng như cả vùng vẫn phát triển một cách manh mún, tự phát, thiếu đồng bộ. Sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng chưa cao, sức cạnh tranh kém, nguồn nhân lực du lịch chưa bảo đảm...

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, thời gian qua, các tỉnh, thành duyên hải miền Trung chủ yếu phát triển du lịch biển đảo, còn khu vực Tây Nguyên tập trung phát triển du lịch văn hóa, lễ hội. Thực tế cho thấy nếu tiếp tục đầu tư kiểu mạnh ai nấy làm như vậy thì chắc chắn sẽ không hình thành các tour du lịch hấp dẫn để phát triển bền vững.


Tỉnh Khánh Hòa chỉ mới chú trọng đến thế mạnh về du lịch biển.
“...Mỗi người hãy cho du lịch một nụ cười!”

Tại hội thảo “Phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung gắn kết với đại ngàn Tây Nguyên” mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dẫn chứng, ở Châu Âu có khách sạn 5 sao nhưng cũ lắm, phòng nhỏ, nội thất cũng không thật hiện đại. Tuy nhiên, cung cách phục vụ, chất lượng dịch vụ rất cao, từ cách đi đứng, cúi chào,... đều rất chuyên nghiệp.

Phó Thủ tướng chia sẻ: “Nhân lực ngành du lịch trước hết cần cẩn trọng, tỷ mỷ, khiêm tốn, trung thực, mến khách, phục vụ tận tình… Hãy phát huy đúng những đức tính tốt đẹp vốn có của người Việt Nam trong việc làm du lịch. Thay vì cau có, cẩu thả… thì bây giờ hãy nở nụ cười. Mỗi người hãy cho du lịch một nụ cười!”.

Từ gợi ý của Phó Thủ tướng, TS Trần Du Lịch - Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng cho rằng, cần có kế hoạch phát triển du lịch dài hạn, và tập trung đầu tư bài bản, mạnh mẽ cho một số điểm du lịch lớn, tiềm năng thay vì đầu tư dàn trải như lâu nay.

Theo các nhà nghiên cứu du lịch, cần sớm tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách về đầu tư phát triển sản phẩm du lịch khác biệt, có khả năng cạnh tranh, từ đó kết nối tạo ra chuỗi sản phẩm, giúp du khách có trải nghiệm khác nhau. Liên kết, tạo nguồn lực tổng hợp trong xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng thương hiệu DL vùng; đào tạo nhân lực du lịch; thu hút đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm tạo sự phát triển ngành “công nghiệp không khói” bền vững gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh của cả nước.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Back to top!