Searching...
Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

[Sức khỏe ] -Những mảnh đời ‘vẫy vùng’ trong chợ cá đêm lớn nhất miền Bắc

Có lẽ với nhiều người ở chợ cá Yên Sở đến chợ không chỉ bởi gánh nặng mưu sinh hối thúc mà còn vì họ đã gắn bó với góc chợ đó, cung đường đó và cái tình người ở đó.

Chợ đông đúc là thế nhưng ai cũng biết mặt, biết tên nhau. Ai có hoàn cảnh đặc biệt mọi người đều biết và giúp đỡ. Lúc nghỉ, họ kể cho nhau những câu chuyện tếu và cười giòn tan trong đêm khuya lạnh.

Nhộn nhịp trong đêm mưa

Chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội), được xem là chợ đầu mối cá nước ngọt lớn nhất miền Bắc. Chợ cá Yên Sở hoạt động 24/24 nhưng tấp nập, nhộn nhịp nhất là về đêm cho đến tờ mờ sáng bởi khoảng thời gian này lượng lớn xe tải chở cá về đổ buôn cho các thương lái. Đến tờ mờ sáng các chủ buôn lớn bắt đầu đến mua cá rồi về đổ cho những người bán cá tại các chợ nhỏ hơn.

Ngay khi bước chân đến cổng chợ Yên Sở, chúng tôi khó chịu vì mùi tanh nồng bốc lên. Không khí buôn bán nơi đây diễn ra rất tấp nập và hối hả. Những chiếc xe tải cỡ nhỏ nối tiếp nhau vào chợ. Lối vào cổng chợ ướt nhoẹt, nước cá từ các phuy, thùng, túi được đổ trực tiếp xuống đường xuống nền chợ khiến mùi tanh càng đậm đặc hơn. Mưa ngày càng nặng hạt nhưng sự nhộn nhịp hối hả của chợ cá đêm không mất đi. Dường như mùi mưa, mùi cá, mùi mồ hôi của những người lao động tại chợ cá đêm đã tạo thành mùi rất đặc trưng.


Hàng ngàn người trắng đêm vất vả mưu sinh.

Cơn mưa chưa có dấu hiệu dừng lại, đêm trắng trời như những phận đời sương gió. Nhưng thời tiết có khắc nghiệt tới mức nào thì những người phụ nữ vác đá lạnh chẳng giờ vắng mặt ở chợ. Ngày lại ngày, bất kể trời mùa hạ oi nồng, trời mùa đông lạnh đến tái tê, mưa đêm tê buốt, họ vẫn nhẫn nại với nhịp xoay vần của cuộc mưu sinh. Những đêm đông buốt lạnh thấu xương, bàn tay cứng đờ vì rét nhưng cũng không thể đeo găng tay vì còn phải chọn cá. Mưa thì áo mưa bịt kín, đi ủng và quần xắn cao. Chị V. một người vác đá lạnh nhiều năm tại chợ cá : "Ngại nhất là khi trời vừa mưa vừa rét, ướt sũng và lạnh nhưng cũng chẳng thể về nhà thay quần áo, cứ thế bám chợ, để cho cái lạnh thấm dần vào da thịt, đợi cho đến lúc áo quần khô đi vì gió".

Điều khiến chúng tôi chú ý đến đó là rất nhiều thanh niên trai tráng, có người xăm trổ, nhìn rất bặm trợn làm công việc bốc xuống hàng và cân đong cho các chủ cá. Hỏi ra mới biết Yên Sở cũng nằm trong cơn lốc đô thị hóa, chính điều này đã làm thay đổi phần nào cuộc sống của người dân nơi đây. Thanh niên trong làng nhiều người nghiện ngập, có người cai được người không, với những người cai được về địa phương được chính quyền địa phương giúp đỡ có công ăn việc làm tại chợ cá.

Với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng nhiều người đã đoạn tuyệt được với chất trắng làm lại cuộc đời. Chợ cá đầu mối phường Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) là nơi khoảng 20 người cai nghiện thành công tham gia buôn bán, làm ăn lương thiện để quên đi quá khứ.

Hạnh phúc từ nơi chợ cá

Qua tiếp xúc, chúng tôi được một thanh niên đã một thời lầm lỡọ trở về với cuộc sống thường nhật, làm ăn lương thiện tại chợ cá Yên Sở. Anh C.N.T (SN 1979) một trong số những người bị đưa đi cai nghiện bắt buộc, sau 2 năm anh T. đã đoạn tuyệt hẳn ma túy, về làm ăn buôn bán tại chợ cá Yên Sở. Qua tâm sự, anh T. dính vào ma túy từ cuối những năm 2000.

Sau vài năm nghiện ngập anh bị buộc đi cai. Sau hai năm trở về, anh đã trở thành con người hoàn toàn khác. "Khi tôi dính vào ma túy, khổ tâm lắm. Nhất là bố mẹ, vì con nghiện ngập nên rất xấu hổ với hàng xóm, bạn bè. Khi còn trong trại, tôi nghĩ ngợi rất nhiều. Bố tôi vào thăm, nhìn dáng vẻ đau khổ của ông tôi đã khóc và hứa sẽ thay đổi. Trong "khóa" đi cai cùng tôi ngày đó có 18 người, nhiều người ở Yên Sở, một số người đã đoạn tuyệt hẳn, không tái nghiện", anh T. vui mừng tâm sự.

Khi được hỏi về thông tin cá Trung Quốc nhập lậu được sự bảo kê của một số thành phần "bảo kê" anh T. tâm sự: "Trước kia cá Trung Quốc bán lẫn lộn với cá trong nước, người tiêu dùng khó mà phân biệt được đâu là cá nhà đâu là cá nhập. Chúng tôi cũng nhận thức được việc ăn cá Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng đến nên chợ chúng tôi đã thống nhất nói không với cá nhập lậu".

Anh T. cũng cho biết, trước kia cá Trung Quốc thường ngâm trong một loại thuốc đặc biệt để vận chuyển cá với quãng đường dài. Như vậy nhiều chủ buôn đã dùng loại chất này rắc xuống nước giống như một dạng thuốc mê giúp cá ngoan ngoãn ngủ đến nơi sẽ tỉnh, cá sẽ vẫn tươi ngon mà hạn chế cá chết. Sau khi ngấm loại thuốc này, cá sẽ lờ đờ như ngủ trong một thời gian nhất định, tùy vào quãng đường mà chủ buôn khống chế".

Ngồi trong quán trà góc chợ, nhấp ngụm trà nóng, nhìn ra đêm mưa, anh H. một thanh niên trên mình săm trổ đầy những rồng phượng tâm sự: "Tôi lấy vợ cũng đã được hơn chục năm, trước kia, nhà có đất bán, tiền nhiều, thanh niên lại đua đòi nên vùi đầu trong ma túy. Ai cũng nghĩ cuộc đời tôi kết thúc. Tổ ấm tan nát. Nhưng không ngờ, khi tôi tu trí làm ăn ở chợ, rồi thầu đầm nuôi cá, người vợ ấy nhận ra tôi đã thay tâm đổi tính, nên cùng về xây đắp hạnh phúc.

Nếu không có lao động, không có quyết tâm dứt bỏ sự rủ rê của những phần tử xấu thì làm sao tôi lấy lại được gia đình". "Để "lột xác" thành công rất cần ý chí quyết tâm làm lại mình của mỗi người. Nhưng trước hết là mỗi người có một khao khát giũ bỏ quá khứ. Cần phải làm lại cuộc đời nơi mình đã mất", anh H. khẳng định.

Trời đã tạnh mưa, gần về sáng, những đôi vợ chồng tiểu thương "kẹp" nhau trên chiếc xe cà tàng đến chợ. Nhiều người muốn chọn cho mình những mớ cá ngon về đãi khách. Bởi thế mới phải thức dậy thật sớm, đi cũng thật vội để cá được tươi ngon. Sau một ngày dài rong ruổi, tắm nắng, gội mưa, họ trở về nhà khi mặt trời đã vượt quá cầu Vĩnh Tuy, trở về với mùi tanh nồng, với cái mệt rệu rã thân xác.

Vậy mà theo như lời anh H.: "Từ ngày đoạn tuyệt với ma túy, một ngày không đến chợ lại thấy bồn chồn". Có lẽ không phải những mảnh đời nơi chợ cá Yên Sở vì gánh nặng mưu sinh hối thúc mà có thể họ đến chợ đơn giản đã gắn bó với góc chợ đó, cung đường đó và cái tình người ở đó. Chợ đông đúc là thế nhưng ai cũng biết mặt, biết tên nhau. Ai có hoàn cảnh đặc biệt, anh chị em trong chợ đều gắn bó với nhau qua những câu chuyện bàn trà, câu chuyện về cái "khe" hẹp của cuộc đời và mỗi lần gặp câu chuyện tếu họ lại cười giòn tan trong đêm lạnh.

Vì lợi nhuận bất chấp nhập cá lậu

Để bảo vệ người tiêu dùng và các thương lái trong nước làm ăn chân chính, thời gian gần đây chợ cá Yên Sở đã quyết liệt cấm xe chở cá Trung Quốc vào chợ. Ngay lối vào cổng có biển hiệu lớn chỉ định "Cấm xe chở cá Trung Quốc vào chợ". Sở dĩ có hiện tượng nhập cá lậu từ Trung Quốc bởi siêu lợi nhuận mang lại cho thương lái. Tính ra mỗi kg cá lậu lãi 20-30 ngàn đồng. Mỗi xe cá lậu trót lọt chủ buôn sẽ có lãi khoảng 40 triệu đồng.

Vũ Phương

Xem thêm video clip : Phóng viên của VTV ném điện thoại trong chương trình TH trực tiếp Chào buổi sáng


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Back to top!