Việc di dời tàu thuyền, lồng bè neo đậu và nuôi trồng hải sản khỏi khu vực bờ biển Quy Nhơn nhằm trả lại không gian cho khu vực biển trung tâm Quy Nhơn, tạo bờ biển, bãi tắm sạch để thu hút du khách.
Bãi biển Quy Nhơn, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN) Ngày 15/4, ông Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, thành phố Quy Nhơn cùng các Sở, ban ngành của tỉnh khẩn trương thực hiện công tác di dời toàn bộ tàu thuyền và lồng bè của ngư dân đang neo đậu, nuôi trồng thủy sản tại bờ biển thành phố Quy Nhơn dọc tuyến đường An Dương Vương và Xuân Diệu đến nơi neo đậu mới. Thời hạn chậm nhất để ngư dân di dời là ngày 1/6/2014. Ông Nguyễn Văn Thiện cũng đã yêu cầu Công an tỉnh Bình Định, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bình Định, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định tổ chức xác định tọa độ tạo phạm vi cấm các loại tàu thuyền ngư dân hoạt động trờ lại trong khu vực này; cấm mốc quản lý dọc theo tuyến biển. Trong tháng Sáu và Bảy tới, tại khu vực này sẽ được tổ chức các đợt diễn tập quân sự, diễn tập phòng thủ, cứu hộ cứu nạn trên biển... Hiện tại, bờ biển Quy Nhơn dọc tuyến đường An Dương Vương và Xuân Diệu dài 7km từ bãi Hoàng Hậu đến Mũi Tấn (cửa đầm Thị Nại) có 308 tàu thuyền thường xuyên neo đậu và hoạt động. Theo phương án di dời, có 36 tàu thuyền của ngư dân phường Ghềnh Ráng và phường Nguyễn Văn Cừ sẽ đến neo đậu tại Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng). Số tàu thuyền còn lại sẽ được neo đậu bên trong đầm Thị Nại, từ khu vực hậu cần nghề cá phía Bắc sông Hà Thanh dọc theo đường Đống Đa, công viên Đống Đa. Khu vực này được bố trí 13ha mặt nước, nạo vét hơn 219.000m3 bùn, cát tạo luồng lạch tốt cho tàu thuyền ra vào. Các khu neo đậu sẽ được bố trí từng cụm cho tàu thuyền phân theo công suất. Trước đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Quy Nhơn đã lấy ý kiến người dân về chủ trương di dời địa điểm neo đậu tàu thuyền và được thống nhất cao. Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đã lên phương án hỗ trợ ngư dân di dời tàu thuyền đến nơi neo đậu mới như hỗ trợ nhiên liệu ra vào khu vực, chi phí thuê trông giữ tàu thuyền... trong vòng một năm. Đối với những hộ ngư dân có nhu cầu chuyển đổi nghề, chính quyền cũng sẽ mua lại toàn bộ tàu thuyền, ngư lưới... Việc di dời tàu thuyền, lồng bè neo đậu và nuôi trồng hải sản khỏi khu vực bờ biển Quy Nhơn được Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định quyết tâm gấp rút thực hiện để trả lại không gian cho khu vực biển trung tâm Quy Nhơn, tạo bờ biển, bãi tắm sạch để Quy Nhơn thu hút du khách. Dự kiến, trong tháng Bảy và tháng Tám tới, Quy Nhơn sẽ đón một lượng lớn khách quốc tế du lịch, tham gia Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ thứ 5 khá lớn. Việc làm sạch bãi biển Quy Nhơn hy vọng sẽ tạo ấn tượng mới đối với du khách, góp phần tạo tiền đề giúp cho vùng đất võ giàu tiềm năng du lịch bắt đầu phát huy được những thế mạnh riêng có của mình trong lĩnh vực công nghiệp không khói, một trong những lĩnh vực kinh tế được xác định là mũi nhọn của tỉnh trong vài năm tới. Tuy nhiên, theo các ngành chức năng tỉnh Bình Định, phương án di dời trên chỉ là tạm thời. Quanh khu vực đầm Thị Nại đang có nhiều cảng biển phát triển, trong đó có cảng Quy Nhơn. Dự báo đến năm 2020, cảng Quy Nhơn có sản lượng hàng hóa thông quan lên tới 30 triệu tấn; Dự án Tổ hợp lọc-hóa dầu Nhơn Hội sắp được triển khai, khu du lịch Vinpearl Quy Nhơn đang xây dựng... Việc nhiều tàu cá hoạt động trong khu vực này được dự báo là sẽ gây cảng trở tàu thuyền hàng hóa, khách du lịch. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Bình Định đã quy hoạch một đô thị nghề biển cho ngư dân tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) dành cho ngư dân thành phố Quy Nhơn dời đến. Vì kinh phí dự án này khá lớn (khoảng 200 tỷ đồng) nên sẽ được triển khai dần từ nay đến trước năm 2020./. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét