"Nâng cao hiệu quả của quản lý tập thể quyền tác giả trong kỷ nguyên số hóa" là chủ đề của cuộc hội thảo do Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam, Cục bản quyền tác giả Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Liên đoàn quốc tế các tổ chức tập thể quyền sao chép phối hợp tổ chức ngày 15/4 tại Hà Nội.
Một cuốn sách giả (nhỏ hơn) vừa in sai nội dung bìa, vừa không đúng kích thước so với bản thật. (Ảnh: Minh Tú/TTXVN) Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam, cho biết từ trong nhận thức, việc bảo vệ quyền tác giả và sở hữu trí tuệ ở Việt Nam thực sự chưa đi vào nền nếp. Người ta không ăn cắp những cuốn sách cụ thể mà ăn cắp quyền tác giả, quyền sản xuất ấn phẩm, sự xuất hiện tràn lan của các nhà in lậu là một trong những cách ăn cắp quyền tác giả rõ nét nhất. Chừng nào việc bảo vệ quyền tác giả chưa trở thành ý thức thường trực trong mỗi cá nhân, tập thể, xã hội đồng lòng lên án mạnh mẽ thì những việc ăn cắp tác quyền còn lộng hành. Hơn nữa, việc xử phạt đối với các trường hợp ăn cắp quyền tác giả như hiện nay chưa đủ sức răn đe bởi việc ăn cắp quyền tác giả hiện nay đang mang lại lợi nhuận không nhỏ cho những người ăn cắp... Vào năm 2010, Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam đã ra đời nhằm hỗ trợ tác giả, người nắm giữ quyền tác giả, hỗ trợ người sử dụng và giảm thiểu gánh nặng cho Nhà nước. Hiệp hội này thực hiện quản lý tập thể quyền sao chép tác phẩm tồn tại ở dạng ấn phẩm nhằm góp phần thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, khai thác sử dụng tác phẩm, phổ biến các giá trị văn hóa, khoa học, nghệ thuật tới công chúng. Bên cạnh đó, quản lý tập thể quyền sao chép tác phẩm, cụ thể là sao chép dưới hình thức sao chụp, sử dụng số hóa sau khi tác phẩm đã xuất bản dưới hình thức ấn phẩm hoặc dưới dạng số hóa. Hiệp hội cũng đại diện cho người nắm giữ quyền tác giả thu tiền thù lao liên quan tới quyền tác giả, quyền sao chép, góp phần khuyến khích các tác giả sáng tạo, các nhà xuất bản trong việc đầu tư để đưa tác phẩm mới tới công chúng. Theo nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, Tổng thư ký Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam, trong thời gian qua, Hiệp hội đã tiến hành khảo sát và phát hiện trên 22 triệu lượt người thường xuyên sao chụp các tác phẩm đã công bố, phổ biến dưới dạng xuất bản phẩm mà không xin phép và không trả tiền thù lao cho người nắm giữ quyền tác giả. Hiệp hội cũng phát hiện hàng trăm trang thông tin điện tử khai thác, sử dụng trái phép các nội dung dưới dạng số hóa. Năm 2013, Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam mới bắt đầu hoạt động cấp phép sử dụng trong môi trường số và đã thu được số tiền 700 triệu đồng. Thông tin từ Liên đoàn quốc tế các tổ chức tập thể quyền sao chép cho thấy ở những nước phát triển đã xuất hiện khái niệm công nghiệp quyền tác giả, được coi là một ngành công nghiệp không khói, hàng năm đóng góp từ 4-6% GDP, đồng thời góp phần tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động. Tại nhiều quốc gia có môi trường số phát triển, việc bán hàng qua mạng Internet tăng lên nhanh chóng, trong đó hàng hóa là các xuất bản phẩm đứng hàng thứ ba. Do đó, có thể khẳng định rằng phát triển công nghiệp quyền tác giả này ở các nước phát triển có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đem lại lợi nhuận để phát triển kinh tế và hội nhập. Việc sao chép xuất bản phẩm bất hợp pháp diễn ra phổ biến thì sự sáng tạo trí tuệ sẽ bị thiệt hại, nền tảng của ngành xuất bản bị suy yếu. Cục Bản quyền tác giả Việt Nam cũng cho biết ngày 21/4 hàng năm được chọn là Ngày sở hữu trí tuệ thế giới. Năm nay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã chọn chủ đề cho ngày 21/4 là "Điện ảnh, niềm đam mê toàn cầu" để hướng cả thế giới nhìn vào phía sau hậu trường của môn nghệ thuật thứ 7, tìm hiểu quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và các quyền liên quan cũng như sáng tạo của những người làm điện ảnh toàn cầu.../. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét