(HQ Online)- So với các nước trên thế giới, tỷ trọng thu ngân sách địa phương trong tổng thu ngân sách thể hiện sự phân cấp mạnh. Tuy nhiên, nếu xét về cơ cấu thì tỷ trọng số thu từ các nguồn thu được phân cấp trong tổng thu ngân sách địa phương lại giảm, cho thấy khả năng tự chủ về nguồn thu của địa phương giảm.
Khả năng tự chủ trong huy động nguồn lực cho ngân sách địa phương còn hạn chế. Ảnh Internet. Theo số liệu công khai NSNN giai đoạn 2004-2011 cho thấy, tỷ trọng thu ngân sách địa phương trong tổng thu NSNN của Việt Nam đã tăng lên từ khoảng 37-38% giai đoạn 2004-2008 lên 43-44% giai đoạn 2009-2011. So với các nước trên thế giới, con số này thể hiện sự phân cấp mạnh về nguồn thu của hệ thống ngân sách Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xét về cơ cấu thì tỷ trọng số thu từ các nguồn thu được phân cấp trong tổng thu ngân sách địa phương lại giảm từ 52,4% năm 2004 xuống còn 45% năm 2011. Như vậy, thực tế khả năng tự chủ về nguồn thu từ thuế, phí, lệ phí của địa phương đã bị giảm đi. Theo Th.s Nguyễn Thị Lê Thu (Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính), cơ chế phân chia nguồn thu ở Việt Nam là áp dụng tỷ lệ phân chia như nhau (đối với các sắc thuế được phân chia) cho một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhưng lại áp dụng tỷ lệ khác nhau giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau. Tỷ lệ phân chia này được xây dựng vào đầu thời kỳ ổn định ngân sách (3 hoặc 5 năm) và áp dụng cho cả giai đoạn trên cơ sở tính toán các nguồn thu, nhiệm vụ chi theo các chế độ thu ngân sách, các định mức phân bổ ngân sách... theo tiêu chí về dân số, điều kiện tự nhiên... Do đó, các địa phương có nguồn thu lớn sẽ có tỷ lệ phân chia nhỏ hơn 100%, tức là có điều tiết về trung ương; còn những địa phương có nguồn thu hạn chế sẽ có tỷ lệ phân chia bằng 100%, đồng thời nhận bổ sung ngân sách từ trung ương. Theo cơ chế trên, hiện cả nước có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tỷ lệ điều tiết về trung ương nhiều nhất, trong đó lớn nhất là TP.HCM (điều tiết 77% nguồn thu về ngân sách trung ương). Trong khi đó, một số địa phương, đặc biệt là vùng Tây Bắc số thu từ nguồn bổ sung từ ngân sách trung ương luôn chiếm phần lớn tổng thu ngân sách địa phương như Hà Giang (76%), Cao Bằng (73%), Lai Châu (74%), Điện Biên (77%). Nguyên nhân là do chính quyền địa phương chỉ được phân cấp đối với các khoản thu tương đối nhỏ như thuế nhà đất, thuế môn bài, lệ phí trước bạ... Theo Th.s. Nguyễn Thị Lê Thu, nếu xét khái niệm phân cấp nguồn thu trên cả hai phương diện là phân cấp quyết định chính sách và phân cấp quản lý, sử dụng nguồn thu thì chính quyền địa phương ở Việt Nam mới chỉ được phân cấp ở vế thứ hai. Điều này làm hạn chế khả năng tự chủ trong huy động nguồn lực cho ngân sách địa phương. Để khắc phục bất cập này, Th.s. Nguyễn Thị Lê Thu cho rằng, cần tăng cường năng lực tài khóa của địa phương thông qua việc củng cố các sắc thuế gắn với địa phương như thuế nhà, đất. Đồng thời, cần nghiên cứu phương thức phân chia các khoản thu hiện còn bất hợp lý như thuế TNDN của các DN hạch toán toàn ngành, thuế TTĐB của hàng sản xuất trong nước; xây dựng Luật Phí, lệ phí trên cơ sở đó phân cấp mạnh hơn cho các địa phương trong việc quyết định thu các khoản phí, lệ phí gắn với hoạt động của địa phương. Cùng với đó, cần có cơ chế để các địa phương chủ động và linh hoạt hơn trong điều hành ngân sách; tăng cường phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi cho chính quyền địa phương... |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét