Searching...
Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

[Pháp luật ] -Cấm xe giường nằm chạy đèo dốc: Chuyên gia và chủ nhà xe nói gì?

"Nếu thực hiện chủ trương cấm xe giường nằm chạy trên đèo dốc không những gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp đã đầu tư xe giường nằm mà cả cánh lái xe và hành khách đi xe giường nằm đều cảm thấy rất buồn và bị hụt hẫng."

Sau vụ tai nạn thảm khốc ở Lào Cai, vấn đề an toàn vận hành của dòng xe giường nằm nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Trao đổi với Tuổi trẻ, ông Nguyễn Thanh Quý (lái xe của Công ty cổ phần thương mại vận tải và dịch vụ du lịch Phương Trang) cho biết, với 28 năm hành nghề lái xe chở khách, trong đó có sáu năm lái xe giường nằm trên tuyến đường TP.HCM - Đà Lạt, việc chạy xe giường nằm qua đèo Bảo Lộc dài 10km, đèo Prenn dài 10km là chuyện rất bình thường.

Ông Quý nói, "Là một người có nhiều kinh nghiệm trong việc chở hành khách đi trên các đèo, dốc dài 20km ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tôi thấy việc lái xe địa hình đồi núi quanh co cũng khá bình thường."

"Cách đây sáu năm khi đưa xe giường nằm đầu tiên vào hoạt động, tôi nhận thấy có không ít hành khách e ngại vì cảm thấy loại xe này không an toàn. Thế nhưng đến nay rất nhiều hành khách chọn xe giường nằm vì họ cảm thấy xe chạy an toàn.

Trong đó những hành khách cao tuổi và người bệnh được nằm thoải mái, không bị gò bó như xe ghế ngồi. Còn những hành khách đi làm ăn thường xuyên trên tuyến đường dài đều ưa chuộng xe giường nằm vì lên xe ngủ một giấc ban đêm đến sáng là tới nơi làm việc ngay.


Đa số vụ tai nạn giao thông của xe khách giường nằm hai tầng là do không tuân thủ các quy định, biển báo, thao tác lái xe không phù hợp, đặc biệt là khi lái xe trên đường vắng và lái xe vào ban đêm. (Ảnh minh họa)

Theo tôi, nếu thực hiện chủ trương cấm xe giường nằm chạy trên đèo dốc không những gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp đã đầu tư xe giường nằm mà cả cánh lái xe và hành khách đi xe giường nằm đều cảm thấy rất buồn và bị hụt hẫng."

Về vấn đề liệu những vụ tai nạn xe giường nằm có liên quan tới kỹ thuật, ông Nguyễn Hữu Trí - phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết theo thống kê, phân tích của các cơ quan chức năng, chưa có vụ tai nạn giao thông nào của ôtô khách giường nằm có lỗi do nguyên nhân kỹ thuật.

Đa số vụ tai nạn giao thông của xe khách giường nằm hai tầng là do không tuân thủ các quy định, biển báo, thao tác lái xe không phù hợp, đặc biệt là khi lái xe trên đường vắng và lái xe vào ban đêm.

Ông Trí cũng cho rằng xe giường nằm hai tầng là loại xe cơ giới cỡ lớn, do đó có thể hạn chế hoạt động ở các cung đường nhiều đèo, dốc, đường hẹp hoặc hạn chế hoạt động ở từng cung đường theo thời gian.

Việc quy định tốc độ tối đa đối với riêng xe giường nằm hai tầng cần nghiên cứu thêm. Tuy nhiên để phù hợp điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam, có thể quy định các tuyến đường xe khách giường nằm được phép hoạt động.

Hiện nay, trước xu thế hành khách lựa chọn xe giường nằm, một số nhà sản xuất cũng đã đưa ra thị trường nhiều dòng xe có kích thước và kết cấu khác nhau trong đó không ít xe được cải tạo lại từ xe ghế ngồi thành xe giường nằm. Trong khi đó, kỹ thuật sản xuất xe giường nằm phải được tính toán ngay từ khâu thiết kế sản xuất có kích thước, kết cấu và tính năng đặc thù.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Một, Giám đốc truyền thông Công ty ô tô Trường Hải (Thaco), nhà sản xuất chiếm phần lớn thị phần xe giường nằm tại Việt Nam cho rằng nếu cấm xe giường nằm thì chỉ cấm các cung đường ngặt nghèo không đủ tiêu chuẩn giao thông cho dòng xe có chiều dài 12m kể cả ghế ngồi và giường nằm.

Thực tế, từ năm 2006 đến nay, Thaco đã cung cấp 2.665 xe giường nằm, trong đó có nhiều xe chạy trên địa hình đồi núi ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và trên các tuyến quốc lộ có đèo dốc.

"Theo thống kê của chúng tôi thì chưa có trường hợp nào xe giường nằm do Thaco sản xuất chạy đường núi và đèo dốc xảy ra sự cố tai nạn do lỗi kỹ thuật.", ông Một nói.

L.H (Tổng hợp)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Back to top!