Searching...
Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

[Kinh tế-Vietnam Plus] - “Việt Nam bước vào năm thứ ba ổn định kinh tế vĩ mô”

“Việt Nam đang bước vào năm thứ ba ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ lệ lạm phát thấp hơn, các dòng vốn và xuất nhập khẩu mạnh hơn, tỷ giá hối đoái cũng ổn định hơn,” đó là nhận định từ Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2014 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ngày 1/4/2014.


Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

"Sáng" từ dịch vụ

Theo Báo cáo phân tích, tình hình sáng sủa từ khu vực dịch vụ (tăng trưởng 6,6%) đã bù đắp cho đà tăng trưởng chậm chạp 5,4% của khu vực công nghiệp và giúp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,4% trong năm 2013.

Đánh giá về sức cầu từ nền kinh tế, các chuyên gia ADB cho rằng, nhờ sự gia tăng từ khối đầu tư nước ngoài trực tiếp và chi tiêu ngoài ngân sách của Chính phủ cho cơ sở hạ tầng đã đưa tổng đầu tư toàn xã hội tăng 5,5% so với mức cơ sở của năm 2012. Bên cạnh đó, hoạt động xuất siêu hàng hóa và dịch vụ cũng đóng góp vào không nhỏ vào mức tăng trưởng kinh tế.

Các chính sách tiền tệ, chính sách tài chính quyết liệt đã phần nào cải thiện khó khăn cho khối doanh nghiệp và mức lạm phát giảm đã giúp tỷ giá ổn định, cán cân kinh tế đối ngoại tăng mạnh và lãi suất thực dương…

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam đánh giá cao những bước đi tích cực của Chính phủ và cho rằng: “ Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết nợ xấu tại khu vực ngân hàng, đòi hỏi Việt Nam phải đặt ra những mục tiêu rõ ràng, chắc chắn cũng như lộ trình thu hẹp khoảng cách giữa chuẩn mực trong nước và quốc tế đồng thời tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi.”

Từ tiền đề đó, Báo cáo đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2014 sẽ tăng nhẹ lên 5,6% và tiếp tục lên 5,8% trong năm 2015 đồng thời mức lạm phát được kỳ vọng là 6,2% (năm 2014) và khoảng 6,6% (năm 2015) khi các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi mạnh hơn.

Nâng sức cạnh tranh toàn diện

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế ADB cũng khuyến cáo, thách thức lâu dài mà Việt Nam đang phải đối mặt đó là sự tụt hậu về chất lượng của cơ sở hạ tầng so với các nền kinh tế khác trong khu vực Đông Nam Á.

“Việt Nam sẽ cần khoảng 170 tỷ USD đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật như điện, cấp thoát nước, giao thông trong giai đoạn 2011-2020. Trong khi, ngân sách và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ước tính chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu này,” Báo cáo chỉ ra.

Để cải thiện vấn đề này, ông Kimura cho rằng, Chính phủ cần phải có chính sách thu hút đầu tư công, thông qua cơ chế đối tác nhà nước-tư nhân (PPP). Sự hợp tác này có thể đóng góp rất nhiều vào huy động vốn trong các dự án, qua đó giúp Việt Nam tiếp cận được kinh nghiệp quản lý, công nghệ tiên tiên tiến từ quốc tế qua đó cải thiện hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công.

Trên thực tế, các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào phát triển hạ tầng cơ sở vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân được Báo cáo này chỉ ra là khung pháp lý hiện hành chưa đủ hấp dẫn và cách thực hiện từ các cơ quan thực thi chưa phù hợp với những chuẩn mực quốc tế. Phần nhiều dự án chưa được trao thầu thông qua đấu thầu cạnh tranh.

“Tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các dự án đầu tư theo hành thức nhà nước-tư nhân là yếu tố then chốt dẫn đến việc nâng cao tính toàn diện và chất lượng cung cấp dịch vụ công, đồng nghĩa với việc Chính phủ cần tăng cường khuôn khổ pháp lý để thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng và dịch vụ công, giúp cho người dân tiếp cận được dịch vụ với giá cả hợp lý và dễ dàng hơn,” Báo cáo nhấn mạnh.

Một kiến nghị khác mà ông Dominic P.Melor, Chuyên gia Kinh tế Quốc gia, ADB tại Việt Nam đưa ra là Chính phủ cần phát triển hệ thống tài chính trong nước để cải thiện khả năng tiếp cận nguồn vốn dài hạn cho cơ sở hạ tầng thông qua các khoản vay ngân hàng và các thị trường nợ.

“Độ sâu của thị trường vốn Việt Nam vẫn kém hơn so với nhiều nền kinh tế khác trong khu vực. Các ngân hàng nước ngoài có thể là một nguồn tiềm năng cung cấp vốn trung hạn và dài hạn bằng ngoại tệ, nhưng đòi hỏi phải có các sản phẩm tăng cường tín dụng và bảo lãnh, như bảo lãnh của các cơ quan tín dụng xuất khẩu.

Chừng nào Việt Nam còn chưa thiết lập được uy tín về PPP thì Chính phủ có thể vẫn cần cung cấp các sản phẩm tăng cường tín dụng hoặc bảo lãnh tín dụng,” ông Melor đề xuất./

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Back to top!