Searching...
Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

[Kinh tế-KTĐT] - Còn nhiều việc cần làm!

KTĐT - Việc thiết lập mạng truyền dẫn phát sóng (TDPS) truyền hình số mặt đất phạm vi khu vực đang bị đánh giá là chậm do nhiều tỉnh, TP vẫn chưa đi đến sự thống nhất về việc thành lập một doanh nghiệp (DN) TDPS chung. Trong khi đó, thời hạn cho việc thực hiện kế hoạch này tại 5 TP trực thuộc T.Ư là trước ngày 31/12/2014.

Vẫn đang đàm phán
Một chuyên gia tính toán, để chuyển đổi từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất, nhà đài trên cả nước sẽ tốn hàng ngàn tỷ đồng. Riêng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), như ông Trần Dũng Trình - Phó Tổng Giám đốc Đài cho biết, chi phí cho việc chuyển đổi cũng lên tới vài ngàn tỷ đồng, con số này vượt quá khả năng của các nhà đài. Để giải quyết gánh nặng này và đảm bảo lộ trình số hóa của Chính phủ, các đài sẽ phải chủ động tìm các nguồn lực khác như liên doanh, liên kết để thành lập DN TDPS truyền hình số.

Các nhà đài gặp nhiều khó khăn về kinh phí thực hiện số hóa truyền hình. Trong ảnh: Phòng kỹ thuật, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Ảnh: Xuân Chính
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Hồng Tuấn - Thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình cho biết, đến thời điểm này, các đài phát thanh - truyền hình (PTTH) của các TP trực thuộc T.Ư vẫn đang trong quá trình đàm phán để thành lập các DN TDPS. Trong đó, Đài PTTH Hà Nội, Đài PTTH Hải Phòng và một số DN đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục thành lập một DN TDPS chung cho khu vực Đồng bằng Bắc bộ. Tại khu vực Nam bộ, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và Đài PTTH Vĩnh Long cũng đang trong giai đoạn đàm phán nhưng chưa có kết quả cụ thể.
Thông tư số 07/2013/TT-BTTTT của Bộ TT&TT yêu cầu, kể từ ngày 1/4/2014, tất cả các máy thu hình (không bắt buộc đối với máy thu hình sử dụng công nghệ CRT) có kích thước trên 32 inch được sản xuất và nhập khẩu để sử dụng tại Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn DVB - T2, tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG - 4 phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 63:2012/BTTTT. Hiện, trên thị trường có khoảng 84 loại máy thu hình tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn DVB-T2.
Đà Nẵng và Cần Thơ cho biết, sẽ dùng dịch vụ TDPS truyền hình số mặt đất của các DN, riêng Đà Nẵng đang khảo sát, đánh giá chất lượng và khả năng sẽ thuê dịch vụ TDPS truyền hình số mặt đất của VTV để truyền tải các kênh truyền hình DRT trên địa bàn.
Trước tình trạng này, Bộ TT&TT đã có văn bản đề nghị UBND các TP Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo các Đài PTTH, đài truyền hình có báo cáo phương án thành lập DN TDPS khu vực trước ngày 30/4.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Tuấn, dù chưa chính thức thiết lập được DN TDPS truyền hình số mặt đất nhưng các kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị của 5 TP trên đều đã được phát sóng không khóa mã trên truyền hình số mặt đất của VTC, AVG. Cả 5 TP đều đặt kế hoạch và mục tiêu hoàn thành việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất và chuyển sang phát sóng truyền hình số mặt đất theo đúng lộ trình là trước ngày 31/12/2015. Riêng Đà Nẵng, đặt mốc là ngày 30/6/2015.
Chưa có hướng dẫn hỗ trợ hộ nghèo
Một trong những băn khoăn lớn nhất hiện nay là sau khi hoàn tất lộ trình số hóa truyền hình, liệu những hộ nghèo có cơ hội được xem truyền hình số mặt đất? Bởi giá một đầu thu thấp nhất bao gồm cả phí lắp đặt khoảng 600.000 đồng, đây là một khoản tiền không nhỏ đối với khoảng 2 triệu hộ nghèo và gia đình.
Theo Quyết định 2451/QĐ-TTg phê duyệt Đề án số hóa TDPS truyền hình mặt đất đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, sẽ có gói hỗ trợ 1.710 tỷ đồng dành cho các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Tuấn cho hay, Bộ TT&TT đang trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn việc phân bổ nguồn hỗ trợ này cho các địa phương và đối tượng được thụ hưởng. "Cần phải điều tra xác định đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách cũng như phương thức và mức hỗ trợ. Về vấn đề này, Cục Tần số Vô tuyến điện mới được Bộ giao nghiên cứu xây dựng đề án. Dự kiến đề án sẽ được triển khai trong năm tới" - ông Tuấn chia sẻ.
Số hóa truyền hình trước sẽ thiệt?
Lo ngại của 5 TP thuộc nhóm hoàn tất số hóa truyền hình mặt đất trước ngày 31/12/2015, là họ sẽ bị thu hẹp quy mô phủ sóng tại các vùng lân cận chưa thực hiện số hóa. "Nếu không có giải pháp ngừng phát sóng truyền hình tương tự một cách đồng bộ, phù hợp thì đài truyền hình địa phương tiến hành số hóa trước có thể chịu ảnh hưởng vì thị trường truyền hình sẽ có xáo trộn, lượng khán giả của nhà đài thuộc 5 TP trực thuộc T.Ư sẽ bị giảm do các tỉnh lân cận chưa số hóa" - lãnh đạo một đài truyền hình phân trần.
Về vấn đề này, Bộ TT&TT đang giao các đơn vị chức năng thuộc Bộ và Đài Truyền hình Việt Nam nghiên cứu, đề xuất phương án nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các đài truyền hình và không gián đoạn việc truyền tải các kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị. Xem ra lộ trình số hóa phát sóng truyền hình mặt đất còn khá nhiều việc cần làm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Back to top!