Searching...
Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

[Pháp luật -Lao Động] - Bình Phước: Vợ nguyên Viện trưởng VKS lừa đảo hàng chục tỉ đồng lãnh án 17 năm tù

Phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm vụ án vợ nguyên Viện trưởng VKSND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hơn 21 tỉ đồng tiếp tục diễn ra hôm nay (2.4).

Vào buổi sáng nay (2.4), phiên tòa bước vào ngày xét xử thứ hai, diễn ra phần xét hỏi của các luật sư.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Sạnh (SN 1960) hỏi bị cáo: “Bị cáo có thừa nhận số tiền như bản kết luận điều tra không?, bị cáo Sạnh liền đáp: “Đúng số tiền như kết luận”.

Khi luật sư hỏi đến hành vi bị quy kết là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thì bị cáo Sạnh nại rằng: “Đây là giao dịch dân sự, bị cáo không ép buộc bất cứ ai đưa tiền và những giấy tờ vay mượn không có chữ ký của chồng bị cáo (là ông Trần Hoàng Sơn, thời điểm đó đang giữ chức Viện trưởng VKSND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, sau khi vụ án bị phát hiện, thì hiện nay ông Sơn đang là cán bộ VKSND tỉnh Bình Phước)”.

Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bị hại truy vấn những khoản thu nhập của ông Trần Hoàng Sơn, thì ông Sơn cho rằng, nhờ vào cây cao su, sau năm 1997 có thêm cây xăng. Còn tổng thu nhập hàng năm ông Sơn cho rằng mình không năm chính xác, với lại do việc thu nhập của gia đình là do vợ là bị cáo Sạnh nắm.

Do giá cao su lên xuống thường xuyên, nên ông Sơn không biết rõ về các khoản thu nhập, không biết vợ vay mượn tiền, còn lương của ông Sơn là khoảng 10 triệu đồng/tháng.


Ông Trần Hoàng Sơn cho rằng không biết vợ mình vay mượn tiền !

Lúc này, luật sư liền công bố bút lục mà ông Sơn đã khai với Cơ quan điều tra vào giữa tháng 3.2010, cho thấy ông Sơn biết vợ mình vay tiền nhiều người.

Luật sư truy tiếp với bị cáo Sạnh là số tiền lớn hàng chục tỉ đồng đã dùng làm gì, thì bị cáo Sạnh lại lòng vòng và không chứng minh được số tiền vay mượn đã “xài” vào việc nào cụ thể cả.

Tại phiên tòa cũng như theo các lời khai với Cơ quan điều tra, luật sư cho rằng lời khai của ông Sơn và bị cáo Sạnh hoàn toàn mâu thuẫn nhau, cho thấy ông Sơn và bà Sạnh có bàn bạc với nhau về các khoản nợ và thu nhập trong gia đình.

Hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng, bị cáo Sạnh vay số tiền lớn, nhưng nói giấu chồng là vô lý, các bị hại tại tòa đều khai rằng mỗi lần vay tiền, đều có mặt ông Sơn. Thái độ của bị cáo Sạnh tại tòa là không trung thực, việc ông Sơn không biết về các khoản vay số tiền rất lớn của bị cáo là quá vô lý.

Vị đại diện VKSND tỉnh Bình Phước cho rằng: Hành vi của bị cáo Sạnh là nguy hiểm cho xã hội. Khi phạm tội bị cáo nhận thức được hành vi của mình là sai trái nhưng bị cáo vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội đến cùng. Đồng thời hành vi của bị cáo đã gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an của địa phương, gây bức xúc cho dư luận”.

Tuy nhiên, vị đại diện VKS cho rằng bị cáo Sạnh có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu nên đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt. Vị đại diện VKSND tỉnh Bình Phước đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Sạnh 15-16 năm tù và buộc bị cáo phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.

Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị hại cho rằng: Ông Trần Hoàng Sơn phải có liên quan đến hành vi phạm tội của vợ mình, bởi vì ông Sơn cùng con gái mình đã nhiều lấn đến thương lượng với bị hại để xin rút đơn tố cáo vợ mình… nếu như ông Sơn không bị tội đồng phạm trong vụ án này, thì cũng phạm vào tội “không tố giác tội phạm”.

Phiên tòa tiếp tục diễn ra vào chiều nay (2.4) với phần tranh tụng.

Đối đáp với luật sư, vị đại diện VKSND tỉnh Bình Phước giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng: Về việc luật sư cho rằng ông Trần Hoàng Sơn phải liên quan đến vụ án là không có cơ sở, bởi ông Sơn chỉ biết vợ mình vỡ nợ và đòi tự tử, thì mới hay biết chuyện.

Còn luật sư bào chữ cho bị cáo Sạnh vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm đây là vụ án dân sự, chứ không phải thân chủ mình phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Sau khi nghị án, HĐXX đã nhận định, hành vi của bị cáo Sạnh là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến nhiều người, gây hoang mang lo lắng tại địa phương. Hành vi của bị cáo không những không thiệt hại về tài sản mà còn gây ra nhiều hệ lụy trong gia đình và xã hội. Khi Sạnh không có tiền trả nợ gây ra nhiều xáo trộn trong cuộc sống mưu sinh. Đưa nhiều bị hại lâm vào cảnh bần cùng, khó khăn. Tại phiên tòa, bị cáo không ăn năn hối lỗi.


Bị cáo Sạnh bị tuyên án 17 năm tù về hành vi "lừa đảo...".

Tòa đã tuyên bị cáo Sạnh 17 năm tù giam về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tuyên buộc bị cáo trả lại số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại là hơn 21,1 tỉ đồng.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Back to top!