(HNMO) - Ngày 1-4, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế-Xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội thảo “Thị trường lao động Việt Nam: Những phát hiện từ tiếp cận vi mô”.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình chia sẻ kinh nghiệm do Chính phủ Ai-Len tài trợ và là diễn đàn để các bên công bố, thảo luận những thông tin, kết quả nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến thị trường lao động Việt Nam. Nghiên cứu của Trung tâm cho thấy, Việt Nam có lực lượng lao động (LLLĐ) dồi dào, nhưng tốc độ tăng của LLLĐ nhanh hơn tốc độ tăng dân số. Do đó áp lực về việc làm mới hàng năm là khá cao. LLLĐ ở nông thôn đang có xu hướng giảm trong khi LLLĐ ở thành thị lại có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất của LLLĐ là chất lượng còn thấp, với khoảng 83% tổng số lao động chưa qua đào tạo chuyên môn; khó đáp ứng yêu cầu trong các dây chuyền sản xuất hiện đại. Bên cạnh đó là đặc điểm già hóa dân số đang diễn biến khá nhanh, nhu cầu tìm việc làm của nữ ngày càng cao cũng như ảnh hưởng của làn sóng đô thị hóa…tạo ra sự đa dạng và yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Các chuyên gia khuyến cáo, khi kinh tế tăng trưởng tốt thì các ngành công nghệ sẽ ưu tiên lao động có kỹ năng và bằng cấp chuyên môn đồng thời sẵn sàng đãi ngộ xứng đáng; lợi tức do giáo dục mang lại là lâu dài và phù hợp với thực tiễn phát triển theo hướng CNH của đất nước. Đặc biệt, nam giới càng nên chủ động đầu tư để có bằng cấp chuyên môn cao, từ đó có thu nhập cao tương ứng. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, những năm qua, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, ngày càng hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế khu vực và quốc tế; quy mô nền kinh tế cũng lớn hơn và đã đứng vào nhóm nước có thu nhập trung bình thế giới. Tuy nhiên, mô hình phát triển theo chiều rộng đã bộc lộ một số khiếm khuyết, cần điều chỉnh để hướng nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển bền vững, theo chiều sâu; trong đó có vấn đề quan trọng là chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thiết lập một thị trường lao động đáp ứng được yêu cầu chung. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét